Lỗ lớn xuất hiện dồn dập
|
|
Nhưng đạm Ninh Bình không phải cá biệt. Dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên có mức đầu tư hơn 8.100 tỉ đồng do Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên (Tisco) làm chủ đầu tư là một ví dụ khác. Sau 4 năm máy móc phơi sương, tiền lãi do chậm tiến độ hơn 1.200 tỉ đồng. Bộ Công thương kiến nghị Chính phủ cho dự án được miễn 133 tỉ đồng thuế nhà thầu; không tính thuế nhập khẩu thiết bị phục vụ thi công giai đoạn còn lại ước tính khoảng 65 tỉ đồng; đối với phần thuế giá trị gia tăng đã được hoàn lại hơn 330 tỉ thì xin không tính toán trong cơ cấu tổng mức đầu tư. Tisco còn đề xuất VDB khoanh nợ gốc, đồng thời miễn 100% lãi vay trong thời gian dừng thi công từ tháng 7.2012 - 3.2016 với số tiền khoảng 386 tỉ đồng...
Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng, số dự án được đầu tư ngàn tỉ nhưng làm ăn không hiệu quả, thua lỗ kéo dài đã xuất hiện dồn dập trong thời gian qua, gây thất thoát khủng khiếp. “Đây chính là nguyên nhân trực tiếp khiến nợ công tăng cao. Bởi số vốn đầu tư cho dự án là vốn đi vay, mà đầu tư không ra của cải, không đóng góp được gì cho GDP thì làm sao trả nợ được. Vậy nên, chỉ có thể vay nợ mới để trả nợ cũ mà thôi”, ông Doanh nhấn mạnh.
Cắt ưu đãi, cho phá sản
|
|
Đối với những dự án xét thấy khả năng không thể vực dậy được, theo ông Doanh, thì cho phá sản, kêu gọi đầu tư của các DN trong, ngoài nước. “Nếu cấp thêm ưu đãi, dĩ nhiên, nguồn thu ngân sách giảm đi. Những ưu đãi này thực tế là xin thêm tiền của Chính phủ để bơm vào các “thùng không đáy” và những “xác chết biết đi”, đó là điều không thể chấp nhận trong bối cảnh hiện nay. Về mặt kinh tế, tôi thấy những biện pháp này hoàn toàn không có khả năng sinh lãi, bởi nếu có đầu tư thì cũng không sản xuất ra những sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường. Nếu xét thấy không cạnh tranh nổi thì đổ thêm tiền vào đấy làm gì?”, ông Doanh chất vấn.
Cùng quan điểm, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, cho rằng không cấp thêm ưu đãi cho những dự án thua lỗ kéo dài kể trên, vì bản chất các dự án này không thể sinh lợi được. “Đây là những dự án có tính rủi ro cao. Thứ nhất, những sản phẩm của các nhà máy này không hiện đại, thuộc thời quá khứ do gắn với công nghệ thấp. Thứ hai, cơ chế tài chính theo kiểu bao cấp là chỉ có chết. Cho nên, không chỉ dừng những dự án hiện nay đang lỗ mà những dự án đại loại như vậy nếu có đề xuất xây dựng tiếp phải cân nhắc cẩn thận. Cho phá sản là tốt và có thể bán lại cho nhà đầu tư tư nhân, nhưng phải cam kết bảo vệ môi trường. Nên nhớ, thép, dệt, hóa chất... ảnh hưởng đến môi trường khủng khiếp. Những điều kiện cần đặt ra là các dự án này nếu bán đi phải có cam kết dài hạn, nhất là về môi trường. Chứ không phải bán lấy được ít tiền còn nhà đầu tư muốn làm gì thì làm. Sai là phải trả giá, bằng cách cho phá sản là rẻ nhất trong điều kiện hiện nay, đừng trả giá bằng cách duy trì”, ông Thiên phát biểu.
TS Thiên cho rằng, để không có những dự án tốn hàng ngàn tỉ xây dựng rồi lại thua lỗ hàng ngàn tỉ xảy ra trong tương lai, việc xử lý các công ty như đạm Ninh Bình, dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên... phải công khai minh bạch, vì liên quan đến cả xã hội, đến phát triển của đất nước chứ không phải chỉ bản thân của dự án đó.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng kiến nghị không nên tiếp tục cấp thêm ưu đãi cho những doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lỗ lớn. Việc này phải được chấm dứt càng sớm càng tốt, vì để lâu sẽ đẻ thêm lỗ. Những ưu đãi nhà nước dành cho họ như tiền vốn Chính phủ bỏ ra, đất đai Chính phủ cho, dễ dàng trong tiếp cận tín dụng... lẽ ra là điều kiện quá thuận lợi để các DNNN này làm ăn có lãi. “Không cho tiếp ưu đãi, nhưng đồng thời phải xử lý như thế nào và buộc trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm cá nhân người đứng đầu DN phải thật rõ ràng. Theo tôi là cho phá sản. Bài học của Vinashin là quá rõ. Thời điểm đó có ý kiến cho phá sản sẽ tốt hơn, nhưng nhà nước tiếc rẻ không cho phá sản và chia nợ cho 3 đơn vị nhà nước khác mỗi nơi gánh một ít. Rốt cuộc có bù đắp được đâu, như Vinalines gánh một phần và chết chìm theo vì bản thân Vinalines cũng yếu ớt”, bà Lan chỉ trích.
Theo bà Lan, các DN thua lỗ này cần được kiểm toán để xem tài sản như thế nào, nếu bán lại thì chủ mới phải mua luôn nợ. Còn không ai mua sẽ cho phá sản. Mỗi DN sẽ có phương án khác nhau. “DNNN lâu nay có mấy công ty làm ăn có lãi đâu, ngay những đơn vị có lãi cũng không xứng với những ưu đãi mà nhà nước cấp cho. Nếu cạnh tranh trên thị trường sòng phẳng, chưa chắc các DNNN này có lãi. Đối với DNNN chỉ có một con đường thôi, đó là cải cách, không đầu tư tiếp vào những dự án nhân danh nhà nước nữa. Tất cả những thứ như phân đạm, thép, xơ sợi... tư nhân đều có thể đầu tư được, nhà nước cần buông ra. DNNN lúc nào cũng trông cậy vào sự hỗ trợ của nhà nước, tâm lý thua lỗ sẽ có nhà nước bù lỗ cho cần phải dẹp bỏ. Chính phủ nên xử lý nghiêm khắc những trường hợp như vậy để những DNNN khác noi theo, bởi vì còn bù đắp, cứu chỗ này chỗ kia thì sẽ còn tình trạng gây thua lỗ và đòi nhà nước hỗ trợ, ưu đãi”, bà Lan nhấn mạnh.
Bình luận (0)