Kênh truyền hình HTVC (Thuần Việt) đang triển khai một chương trình cho cải lương, mà người thiết kế lại là một cô gái từng du học ở Thụy Sĩ. Khánh Vương hầu như biết rất ít về cải lương, vậy mà đùng một cái, cô đâm ra mê mệt, cứ như đã gặp gỡ tự đời nào.
Như nhiều người từng nói, thực ra cải lương chảy trong máu của dân Việt, đến một hôm “đẹp trời” tự nhiên nghe một câu vọng cổ liền “ngộ” ra, rồi say sưa, đắm đuối! Đơn giản vậy thôi! Khánh Vương trầm ngâm: “Cải lương chính là opera của Việt Nam, nhưng tại sao mình lại để nó hẩm hiu như vậy? Mình phải tổ chức sao cho nó xứng tầm là opera, sang và đẹp, được trân trọng, gìn giữ”.
Và cô sẽ dành cho vở cải lương đầu tiên mà mình tổ chức một không gian vừa thân thiện vừa sang trọng tại Nhà hát TP.HCM. Vở Bên cầu dệt lụa được chọn bởi nội dung đề cao nhân, nghĩa, lễ, trí, tín mà thời nay đang khủng hoảng, hy vọng thổi lại những cơn gió trong mát vào tâm hồn người xem. Nhưng Bên cầu dệt lụa sẽ được trình bày trong một bối cảnh rất thú vị tại khu sảnh của Nhà hát TP.HCM với những khung cửi quay tơ, với gánh chè xôi dân dã, với các loại bánh quê thân thương, và với những nhóm đờn ca tài tử ngọt ngào… Khán giả được ăn uống, được chụp hình với nghệ sĩ, được thử giọng ca của mình…
Rộn ràng nhưng vẫn thanh lịch, truyền thống nhưng vẫn hiện đại, đó là mục tiêu HTVC hướng tới, để cải lương thoát khỏi định kiến “bình dân”. Có như thế, hy vọng sẽ kéo được những khán giả trí thức, đặc biệt là lớp trẻ. Được biết, nhà thiết kế Việt Hùng sẽ thiết kế trang phục cho vở diễn, cách điệu sao cho trang phục cổ nhưng vẫn sang và hiện đại. Và các nghệ sĩ Trọng Phúc, Thanh Ngân, Lê Hồng Thắm, Quỳnh Hương, Lê Tứ… hầu hết đều đoạt huy chương vàng Trần Hữu Trang, là một thế hệ trẻ đáng tin cậy.
Một đêm diễn duy nhất 7.10.2011 với vé mời toàn bộ, nhưng vở sẽ được thu hình và phát sóng rộng rãi.
Hoàng Kim
Bình luận (0)