|
Là nông dân, tôi cảm thông sâu sắc nỗi khổ của những người ngày nào cũng một nắng hai sương, bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Thậm chí, do tính đặc thù của công việc, mà người nông dân chúng tôi phải “cày đồng” giữa nắng ban trưa đến tối mịt mới về tới nhà, sửa soạn cho bữa ăn tối, để mong có được hạt lúa, hạt gạo, vừa có cái ăn cái mặc cho gia đình, vừa phục vụ cho xã hội.
Có lẽ ở Việt Nam ta không nghề nào cực khổ, đen đủi hơn nghề nông. Từ lúc làm ra hạt giống để gieo sạ là đã khổ rồi. Nếu thuận buồm xuôi gió thì còn đỡ, không may gặp lúc trái gió trở trời, mưa sa bão táp, thì phải năm cơm bảy cháo hạt giống mới ngoi lên được. Thậm chí có lúc phải gieo đi sạ lại đôi ba lần. Hạt giống lên rồi thì phải vay mượn tiền ngân hàng mà trả tiền cày xới, mua phân bón, thuốc trừ sâu rầy…. với cái giá đại lý hét bao nhiêu chúng tôi phải trả bấy nhiêu, không có quyền cò kè trả giá thêm bớt đồng một đồng hai.
Việc vay mượn này người nông dân chúng tôi có một câu quen miệng là: “làm nghề nông ăn trước trả sau”. Mà đâu đã xong, trong suốt quá trình canh tác, chúng tôi luôn nơm nớp lo âu, cả lúc lúa chín vàng. Thiên tai địch họa luôn đeo đẳng chúng tôi như bóng với hình, như lũ tràn ở đồng bằng, lũ ống, lũ quét ở miền núi, bất cứ lúc nào cũng có thể nhấn chìm hàng chục hàng trăm, hàng ngàn hecta lúa chỉ trong một đêm. Năm 2011 hàng ngàn hécta lúa bị chìm trong nước ngay trong mùa thu hoạch ở Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An… vì lũ bất ngờ dâng cao. Nông dân chỉ còn nước ngồi nhìn nước cuồn cuộn chảy trên đầu lúa mà rơi nước mắt.
Hết “thiên tai” lại đến “nhân tai”. Thủy điện xả lũ làm thiệt hại hoa màu, đèn đường cao tốc làm cây lúa không trổ bông. Năm 2010, nông dân 3 xã An Thạnh, Thạnh Mỹ và Mỹ Yên ở huyện Bến Lức (Long An) đã phải khóc ròng vì đèn đường cao tốc làm cho hơn 100 ha lúa Nàng Thơm chợ Đào của họ phải "điếc" không trổ bông được, hơn 100 hộ ba xã này bỏ công bỏ của để đến lúc thu hoạch lại… trắng tay.
Vụ việc được các phương tiện truyền thông đại chúng lúc ấy phanh phui, rồi đến UBND tỉnh Long An vào cuộc, đến cả Văn phòng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo… Phải trầy vi tróc vảy 114 hộ nông dân 3 xã này mới được cơ quan gây thiệt hại bồi thường bằng cái giá mà người nông dân chúng tôi gọi là “của đổ mà hốt!”.
Đó là chưa kể cái điệp khúc muôn đời của người nông dân trồng lúa “Trúng mùa mất giá”. Mặc dù năm nào Chính phủ cũng có chỉ đạo thu mua lúa tạm trữ với giá sàn có lãi cho nông dân; nhưng có nông dân nào bán được giá đó đâu! Thương lái lúc nào cũng tìm cách ép giá để lời nhiều hơn nữa, còn nông dân chê giá rẻ không bán lúa thì lấy tiền đâu mà đáo hạn ngân hàng?
Mới đây, đọc báo thấy Tết Canh Ngọ 2014 này, cán bộ công nhân viên có nơi được thưởng đến 710 triệu đồng. Chỉ là tiền thưởng Tết thôi mà đã choáng ngộp rồi! Suy đi nghĩ lại mà buồn cho số phận mình, người nông dân chúng tôi quanh năm suốt tháng chỉ biết có miếng ruộng mảnh vườn bỏ công cực khổ cả năm chỉ mong sao lúa trúng được mùa mà đôi khi không được.
Năm hết Tết đến chỉ mong có nồi cơm gạo mới cùng với chút ít thịt mỡ dưa hành, vài trái khổ qua nhân thịt (ăn cho qua cái khổ) đem lên bàn thờ cúng người quá cố và cửu huyền thất tổ. Cả đời có ai… thưởng Tết cho nông dân bao giờ!
Hồ Thị Kim Phượng (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người nông dân ở xã Long Sơn, huyện Cần Đước, tỉnh Long An
>> Phát hiện doanh nghiệp xả thải ra môi trường
>> Xả thải vào nguồn nước phải xin ý kiến người dân
>> Thuê người dân giám sát doanh nghiệp xả thải
>> Xả thải độc xuống hồ
>> Xử lý vụ sân bay Nội Bài xả thải ra môi trường
Bình luận (0)