Lạm phát

30/06/2011 01:12 GMT+7

Tỷ lệ lạm phát cao trong 6 tháng không làm nhiều người quá ngạc nhiên. Nhưng chỉ số CPI cả năm dự báo khoảng 17-18%, nghĩa là gần gấp 3 lần tăng trưởng là điều đáng bàn.

Điều này có nghĩa rằng chất lượng đời sống của người dân không những không được nâng lên mà còn giảm đi. Bởi vì, muốn nền kinh tế tích cực, chất lượng sống nâng lên thì lạm phát phải luôn thấp hơn tăng trưởng.

Nghị quyết 11 của Chính phủ về siết chặt kiểm soát lạm phát đã được thực hiện hơn 4 tháng, nhưng hiệu quả vẫn còn khiêm tốn ở các con số thống kê. Việc giảm tín dụng tỏ ra chưa thành công khi mức tín dụng đến tháng 6 vẫn tăng 7% so với cuối năm 2010. Một yếu tố rất quan trọng là giảm đầu tư công, theo các chuyên gia cũng chưa đạt yêu cầu. Tính đến giữa tháng 6.2011, đối với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, cả nước cắt giảm, điều chỉnh 5.556 tỉ đồng vốn thuộc 2.048 dự án. Nếu tính riêng tại các địa phương, mới chỉ có 4.440 tỉ đồng tại 1.768 dự án được cắt giảm, điều chuyển và đình hoãn. Rất nhiều bộ, ngành, địa phương được cho là chưa cắt giảm, điều chuyển, giãn tiến độ, đình hoãn triệt để các dự án khởi công mới bằng ngân sách nhà nước. Số vốn điều chuyển, cắt giảm khá thấp so với số dự án khởi công mới không thuộc đối tượng triển khai trong năm.

Câu chuyện ở đây chính là ở cách làm. Vì rằng, nếu để cho các tỉnh tự cắt giảm đầu tư công thì có khác nào bảo ai đó tự cầm dao cắt tay, chân mình, điều này đương nhiên rất khó. Hơn nữa, hạn chế của các báo cáo về cắt giảm đầu tư công còn ở chỗ, nó hoàn toàn không thể hiện được nội dung cắt giảm; cắt giảm hạng mục nào thì quan trọng hơn là cắt giảm được bao nhiêu. Bởi lẽ câu chuyện về đầu tư dàn trải từ tiền ngân sách vẫn là căn bệnh kinh niên chưa có lời giải. Do vậy, muốn kiềm chế lạm phát ở mức kỳ vọng có lẽ Chính phủ vẫn cần mạnh mẽ hơn nữa trong việc thắt chặt chi tiêu từ ngân sách, cắt giảm đầu tư công cần tính toán lại một cách chặt chẽ hơn.

Đâu đó bắt đầu có những đề nghị đòi nới lỏng tín dụng để “cứu” thị trường nọ, lĩnh vực kia nhưng cũng cần phải hiểu rằng chống lạm phát bao giờ cũng kèm những hệ lụy đau đớn. Nhân đạo ở chỗ này sẽ là bất công với người khác, nếu nới lỏng tín dụng để cứu một vài doanh nghiệp nhỏ thiếu vốn chẳng hạn sẽ là bất công đối với gần 70.000 hộ dân đang có mức thu nhập bình quân hơn 1 triệu đồng/người/tháng - đối tượng đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão giá.

An Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.