Ngày 26.3, ông Lê Cảnh Biên, Bí thư Huyện ủy Triệu Phong (Quảng Trị) cho biết đã giao Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy làm rõ vụ lùm xùm cấp bò chính sách tại xã Triệu Độ.
Cùng ngày ông Lê Minh Khánh, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra H.Triệu Phong xác nhận vào ngày 27.3 sẽ cùng với Thanh tra huyện công bố quyết định kiểm tra đảng viên có dấu hiệu vi phạm đối với ông Hồ Văn Hồng, Đảng ủy viên, Phó chủ tịch UBND xã Triệu Độ để làm rõ việc cấp bò giống cho cán bộ xã và người nhà cán bộ xã.
Theo ông Khánh, nếu phát hiện người nhận nuôi bò có sai phạm thì phải thu hồi lại vốn nhà nước đã đầu tư là 14 triệu đồng/con bò (trị giá mỗi con bò giống 18 triệu đồng, người dân bỏ ra 4 triệu đồng đối ứng - PV).
Còn nếu phát hiện thủ tục có sai, người dân không ký cam kết nuôi bò trong bao lâu… thì trách nhiệm thuộc về UBND xã.
|
Trước đó, nhiều người dân xã Triệu Độ tố lãnh đạo địa phương này có nhiều khuất tất trong việc cấp phát bò giống (theo chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2016 - 2020).
Cụ thể, ngày 27.12.2017, xã Triệu Đô tiếp nhận 10 con bò theo quyết định trên. Trong số 10 hộ nhận bò có Trưởng công an xã, cán bộ văn phòng UBND xã, vợ và em vợ của kế toán UBND xã, anh ruột trưởng công an xã, anh ruột của Phó chủ tịch UBND xã. Người dân cho rằng lãnh đạo xã đã “ém” thông tin này để cấp phát bò cho người thân. Chưa hết, có người còn tố nhiều người nhận bò đã mang bò vào…lò mổ ngay sau đó để hưởng tiền chênh lệch.
Ông Hồ Văn Hồng, người trực tiếp nhận bò về cấp phát cho xã, cho biết từ tháng 5.2017, UBND xã đã ra thông báo bằng văn bản cho các thôn để ai có nhu cầu thì đăng ký nhận bò nhưng sau 4 tháng chỉ có 3 người đăng ký và họ đã nhận bò vào tháng 11.2017 (mỗi con có giá 21 triệu, dân "đối ứng” 7 triệu).
|
Cũng theo ông Hồng, đến ngày 27.12.2017, khi lên Phòng NN-PTNT huyện làm việc, ông mới biết thông tin chiều cùng ngày là hạn chót nhận 10 con bò giống (trị giá 18 triệu đồng/con, dân phải đối ứng 4 triệu đồng sẽ nhận bò) nên điện thoại về cho Bí thư, Chủ tịch UBND xã nhưng không được. Ông Hồng nói điện thoại tiếp cho các trưởng thôn khác để tìm người để đăng ký cũng không được.
“Nhiều người gọi được thì họ không chuẩn bị đủ 4 triệu để đối ứng. Nên tôi đã quyết định nhanh là đưa vào những cá nhân là người của UBND xã và người thân của họ vào danh sách cho kịp thời gian và cũng vì bản thân những người này cũng là những hộ chăn nuôi, phù hợp với quy định”, ông Hồng nói.
Ông Hồng cũng thừa nhận đã có 5/13 con bò trong 2 đợt nhận đã được…vào lò mổ, do quá èo uột, sống không nổi. Số bò này khi thải loại đều có văn bản giám sát của chủ hộ, cán bộ khuyến nông, cán bộ xã.
“Tuy nhiên, số bò này là bò của dân chứ bò đã cấp cho nhà cán bộ và người thân của họ thì vẫn còn nguyên dù cũng thuộc dạng gầy yếu”, ông Hồng nói.
Bình luận (0)