Làm sao để tốt nghiệp đại học mà không lạc hậu với ngành được đào tạo?

Quý Hiên
Quý Hiên
09/01/2022 18:56 GMT+7

Trong thời buổi công nghệ phát triển như vũ bão ngày nay, sinh viên các ngành kỹ thuật nếu học chỉ để có bảng điểm tốt thì nguy cơ lạc hậu với ngành mình được đào tạo khi ra trường là hiện hữu.

Chiều nay 9.1, tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã diễn ra những phiên họp cuối cùng của hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học dành cho các trường ĐH có đào tạo về ngành điện với chủ đề “Năng lượng bền vững”.

Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến bởi sự phối hợp của 6 đơn vị (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội USTH, Trường ĐH Công nghệ của ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Điện lực, Trường ĐH Thủy lợi, Trường ĐH Khoa học và Công nghệ của ĐH Đà Nẵng và Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội) với sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức GIZ.

Các nhà khoa học, các chuyên gia ngành năng lượng tái tạo tham gia hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học ngành điện năm 2021

Bảo Huy

Trong 2 ngày diễn ra hội nghị, 136 sinh viên đến từ nhiều trường ĐH trên cả nước đã trình bày nghiên cứu của nhóm mình tại 9 tiểu ban chuyên môn được chủ trì bởi các nhà khoa học là chuyên gia của các chuyên ngành tương ứng.

Theo PGS Nguyễn Đức Huy, Trường Điện - Điện tử Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trưởng ban chương trình của hội nghị, các bài trình bày của các bạn sinh viên đã giúp những người quan tâm có cái nhìn toàn diện nhất về năng lượng bền vững. Qua đó các tổ chức trong và ngoài nước, bao gồm các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, đơn vị tư vấn quốc tế có thể tìm kiếm những ý tưởng xuất sắc và những cá nhân tài năng để giao phó tương lai khoa học và công nghệ trong ngành năng lượng bền vững.

Hội nghị cũng tạo cơ hội tốt đẹp cho sinh viên, giảng viên, nhà nghiên cứu làm việc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo gặp gỡ, hợp tác, mở rộng mạng lưới và chia sẻ những hiểu biết và kiến thức nghiên cứu trong lĩnh vực của mình.

Phần trình bày của Phạm Minh Anh, học viên cao học Trường ĐH Khoa học và công nghệ Hà Nội. Minh Anh có quốc tịch Đức, học ĐH ở Đức nhưng về Việt Nam học thạc sĩ

Bảo Huy

PGS Huy nói: “Đào tạo năng lượng tái tạo ở Việt Nam hiện còn đang mới. Nó là một khoa học liên ngành. Nhân lực của ngành này đến từ nhiều ngành: vật lý, điện, nhiệt, cơ khí…, trước đây đây là những ngành độc lập, mỗi ngành có đối tượng riêng, có khu vực làm việc riêng. Nhưng giờ đây thì nó cùng giải quyết một bài toán, trở thành một ngành đa ngành. Khi thiết kế chương trình đào cho ngành này, các trường đều phải trả lời câu hỏi: đào tạo những gì, sinh viên cần học những gì! Nhờ có sự kiện này mà sinh viên được lắng nghe chia sẻ của sinh viên nhiều ngành, nhiều trường, để qua đó biết được có những gì trong ngành năng lượng tái tạo”.

Sinh viên cần xác định kỹ thuật là nền tảng, công nghệ là mũi nhọn

Dù hội nghị tổ chức cả hình thức trực tuyến để tạo điều kiện cho những sinh viên ở xa nhưng sinh viên Nguyễn Cửu Sửu (năm 2, khoa Kỹ thuật và công nghệ, ĐH Huế) và giảng viên hướng dẫn Huỳnh Thị Thùy Linh vẫn từ Huế ra Hà Nội dự hội nghị trực tiếp.

Theo giải thích của cô Linh, vì khoa mới thành lập nên lãnh đạo khoa muốn tạo điều kiện học hỏi tối đa cho sinh viên, giúp các em có cơ hội giao lưu học hỏi trực tiếp với sinh viên các trường bạn, đặc biệt là những trường đào tạo về kỹ thuật có uy tín như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. “Không chỉ các em mà cá nhân tôi cũng muốn tìm đến những chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu để được nghe ý kiến của các thầy”, cô Linh nói.

Sinh viên Nguyễn Việt Hồng, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, trình bày nghiên cứu bám điểm công suất cực đại của pin mặt trời khi điều kiện làm việc thay đổi

Bảo Huy

Cô Linh cũng chia sẻ thêm: “Những hội nghị như thế này mà được tổ chức thường niên thì rất bổ ích với sinh viên, giảng viên các trường ĐH, đặc biệt là với các lĩnh vực kỹ thuật. Học kỹ thuật thôi chưa đủ mà phải bắt kịp công nghệ thì mới phát triển được. Việc tham gia các hội nghị thế này giúp sinh viên cập nhật được công nghệ và biết ngày nay thế giới đang quan tâm, theo đuổi những vấn đề gì trong lĩnh vực mình được đào tạo, để từ đó có định hướng phát triển cho bản thân, dễ dàng xin việc sau này”.

Em Nguyễn Tiến Quân, sinh viên K63 (năm 4) Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết cá nhân em thấy mình thật may mắn vì biết tới và đăng ký tham gia hội nghị. Được các thầy trong phòng thí nghiệm CTI (Trường Điện - Điện tử, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) hướng dẫn, em đã hoàn thành đề tài nghiên cứu của mình trong khoảng 2 tháng và được chọn trình bày tại hội nghị.

“Khi nhận được chương trình chi tiết, em đã ngồi lọc ra được khoảng 7 - 8 đề tài của các bạn trường khác có chủ đề mà em quan tâm. Suốt 2 ngày ở hội nghị, ngoài lúc mình phải trình bày ra, em đã dành thời gian ngồi nghe trình bày của các bạn theo danh sách đã lọc để học hỏi thêm”, Quân chia sẻ.

Sinh viên Nguyễn Minh Hiếu, Phòng thí nghiệm nghiên cứu xe điện, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trình bày về mô hình hoá và điều khiển động lực học dọc của xe điện

Bảo Huy

PGS Nguyễn Đức Huy nhận định thông qua hội nghị ông thấy lạc quan, tin tưởng hơn vào tương lai nhân lực ngành năng lượng ở Việt Nam. Các em thể hiện sự say mê, chăm chỉ, và đặc biệt thể hiện khả năng tự học, tự tìm hiểu rất tốt.

PGS Huy phân tích: “Dù chương trình đào tạo đã được cải tiến để đáp ứng nhu cầu xã hội nhưng trường ĐH không thể cung cấp hết kiến thức cho sinh viên mà các em phải có khả năng tự học, chủ động cập nhật kiến thức để không lạc hậu với ngành mình được đào tạo trước sự phát triển chóng mặt của công nghệ.

Trong quá trình làm việc, các em thấy thiếu cái gì đó có khả năng tự cập nhật được cái đó. Việc tổ chức một hội nghị như thế này chính là để giúp các em trau dồi khả năng tự học. Bởi sinh viên ra trường có đáp ứng được yêu cầu công việc hay không, khả năng tự học, khả năng thích nghi là quan trọng, chứ không phải là những điểm số cao trong bảng điểm”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.