Làm thế nào để chiến thắng robot?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
15/01/2019 10:56 GMT+7

'Phải học tập suốt đời, vừa làm vừa học, thành công rồi vẫn học, sử dụng công nghệ để học tập… có như vậy mới không lo robot thay thế mình'.

Đó là ý kiến của ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, trong hội thảo khoa học Phát triển đào tạo theo hướng mở, linh hoạt tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tổ chức sáng nay 15.1 tại Trường CĐ Kinh tế TP.HCM, thu hút đại diện của gần 50 trường CĐ, trung cấp trên toàn quốc.

Cơ hội học tập suốt đời

 
Đi làm xong rồi mới đi học, hoặc vừa học vừa làm, hoặc học tập ở bất cứ đâu… là cách mà hệ thống giáo dục nghề nghiệp đang hướng tới giúp người lao động có cơ hội học tập suốt đời để có một việc làm bền vững.
Có mặt tại hội thảo, tiến sĩ Phan Chính Thức, Phó chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam, cho rằng hệ thống giáo dục nghề nghiệp không tồn tại độc lập mà phải hòa vào hệ thống giáo dục chung, muốn “mở” thì phải đồng bộ từ mầm non đến phổ thông, ĐH.
“Giáo dục mở là gỡ bỏ tất cả rào cản trong hoạt động đào tạo đối với người lao động để họ học nghề, khởi nghiệp, có việc làm bền vững. Gỡ bỏ các rào cản về pháp lý, tài chính và kỹ thuật trong đó rào cản lớn nhất và phổ biến nhất là những chế định gây cản trở, không phù hợp, đặc biệt là các thủ tục hành chính. Mở ra cơ hội thuận lợi cho mọi người tiếp cận với các dịch vụ giáo dục nghề nghiệp, ai cũng có cơ hội học tập, ai cũng được xã hội tạo điều kiện và không loại trừ bất cứ ai trong xã hội được học nghề, khởi nghiệp, hành nghề…”, tiến sĩ Phan Chính Thức nhìn nhận.
PGS-TS Trần Thị Tâm Đan, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhấn mạnh giáo dục mở thì yếu tố quan trọng là phương pháp giáo dục và học liệu với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông, internet. Trong đó, công nghệ trực tuyến đã giúp phát triển mạnh mẽ loại hình giáo dục từ xa đầy linh hoạt và hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người học.

Sẽ có nhiều ngành nghề mới

Trong khi đó, ông Trần Anh Tuấn chia sẻ: “Giáo dục mở thì vẫn phải gắn với cung và cầu. Trước đây chúng ta có thói quen học trước làm sau, nhưng bây giờ giáo dục mở giúp người lao động có thể đi làm rồi có thể tiếp tục đi học hoặc vừa học vừa làm. Điều đó giúp người học có thể học tập suốt đời. Muốn vậy, người lao động cũng phải linh hoạt, sáng tạo, bằng cấp chỉ là một yếu tố. Các trường cần có các hoạt động hiệu quả về tư vấn việc làm chuyên nghiệp bằng các hình thức tiếp xúc trực tiếp và qua hệ thống mạng điện tử về kết nối thông tin giữa sinh viên, học viên với doanh nghiệp, giữa hệ thống đào tạo với hệ thống các doanh nghiệp thông qua các hoạt động dự báo nguồn nhân lực, thông tin thị trường lao động và các hoạt động dịch vụ việc làm, sàn giao dịch - ngày hội việc làm...”.
Thông tin thêm về những ngành nghề ở TP.HCM có thể biến mất, ông Trần Anh Tuấn cho rằng đó là những công việc sử dụng dây chuyền, lao động giản đơn, lặp đi lặp lại.
“Cách đây mấy chục năm, robot đối với chúng ta không khác gì nền khoa học giả tưởng, nhưng đến nay đang hiện hữu và có nguy cơ 'cướp việc' của con người. Công nghệ thông tin sẽ rất phát triển, kết hợp với nhiều ngành nghề để tạo ra ngành nghề mới: thương mại điện tử, marketing điện tử, nhóm ngành công nghệ tự động hóa sẽ có nhiều thay đổi theo hướng chế tạo, lắp ráp. Nhóm ngành kiến trúc, mỹ thuật ứng dụng đi theo hướng sáng tạo như phim 3D, nhóm ngành y học gắn với công nghệ sinh học… Vì vậy, người lao động cần có kỹ năng, kỷ luật, giỏi ngoại ngữ, học mọi lúc mọi nơi...”, ông Tuấn nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.