Làm thế nào để thanh niên Việt Nam cao hơn, khỏe hơn?

15/04/2007 22:32 GMT+7

Kinh tế phát triển, mức sống tăng lên thì người dân, đặc biệt thanh thiếu niên càng có điều kiện phát triển tốt hơn về mặt thể chất. Thế nhưng trên thực tế, thanh niên ở các đô thị đang phải đối mặt với hai nguy cơ lớn: suy dinh dưỡng và béo phì. Làm thế nào để "trị" các nguy cơ này và nâng cao tầm vóc của thanh niên Việt Nam?

> Ăn thế nào để đạt chiều cao tối đa?
> Thể thao cải thiện cơ thể

Suy dinh dưỡng và béo phì

Những con số đáng lo ngại

Theo nghiên cứu của Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, tỷ lệ nam trong độ tuổi 16 - 17 bị suy dinh dưỡng có năm lên tới 43,3%. Còn với học sinh cấp II ở nội thành, tỷ lệ béo phì năm 2004 là 13,7% (chưa có số liệu năm 2005, 2006). Cũng theo đánh giá của Viện Dinh dưỡng TP.HCM, năm 2001, ở người trên 15 tuổi, tỷ lệ suy dinh dưỡng là 21,3% và thừa cân béo phì là 15,8%. Phụ nữ lứa tuổi 15 - 49, tỷ lệ béo phì năm 2005 là 25,4%.

Chiều cao của thanh niên Việt Nam trong nhiều năm qua cũng tăng trưởng rất chậm. Theo tiến sĩ - bác sĩ (TS - BS) Trần Thị Minh Hạnh, Trưởng phòng Dinh dưỡng cộng đồng Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM, số liệu về hằng số sinh học người Việt Nam năm 1975 cho thấy nam giới trưởng thành có chiều cao trung bình 160 cm và nữ giới là 150 cm. Thế nhưng đến năm 2000, tức là 35 năm sau, chiều cao trung bình của người Việt Nam trưởng thành chỉ tăng lên khoảng 2 cm, tức là 162,3 cm đối với nam và 152,3 cm đối với nữ. So với người trưởng thành Nhật Bản cùng nhóm tuổi thì người Việt Nam thấp hơn khoảng 10 cm đối với nam và 6 cm đối với nữ, trong khi trước đây người Nhật vẫn được xem là có tầm vóc thấp bé.

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng

Đối với thanh thiếu niên, người trưởng thành, đánh giá tầm vóc cơ thể dựa trên chỉ số khối cơ thể BMI (Body mass index): BMI = W/(H)2 . Trong đó W: cân nặng (kg), H: chiều cao (m).

Đối với người châu Á, BMI<18,5: gầy; BMI=18,5 - 23: bình thường; BMI từ khoảng 23 - 30 là thừa cân và trên 30 là béo phì.

Lý giải về con số suy dinh dưỡng thể thấp lùn, thể gầy và béo phì ở lứa tuổi học sinh cấp 2, 3 đều cao, TS - BS Trần Thị Minh Hạnh cho rằng ở lứa tuổi cấp 2 và 3, các em đã có thể tự chăm sóc cho bản thân và tự chọn thức ăn cho mình nên gia đình ít quan tâm tới chế độ dinh dưỡng của các em. Trong khi đó, đa số các em chưa có ý thức về chế độ dinh dưỡng hợp lý và tình trạng sức khỏe của bản thân để lựa chọn thức ăn cho phù hợp. Có những em bố mẹ cho tiền ăn sáng thì lại nhịn hoặc ăn ít đi để dành tiền mua sắm...

Theo BS Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM) thì từ trước tới nay, nhiều người nghĩ rằng chiều cao phụ thuộc phần lớn vào yếu tố di truyền, tuy nhiên, trong thực tế cũng như qua một số công trình nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy chiều cao chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố như dinh dưỡng (32%), sau đó mới tới di truyền (23%), vận động thể lực (20%), môi trường, ánh nắng, bệnh tật, giấc ngủ... Sự phát triển thể chất của người dân Nhật ngày nay đã cải thiện rất đáng kể so với trước nhờ vào các chương trình dinh dưỡng quốc gia, đặc biệt là chương trình dinh dưỡng học đường. Điều này cho thấy dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng đối với sự tăng trưởng, đặc biệt là giai đoạn tăng trưởng nhanh như giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì.

P.N

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.