“Khó hơn thi hoa hậu!”
Đó là nhận xét dí dỏm của các tình nguyện viên (TNV) Trường ĐH Hà Nội. Các TNV phục vụ quan chức cấp cao và sĩ quan liên lạc là những người thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc với các đoàn quốc tế trong suốt thời gian diễn ra APEC. Đây cũng chính là hình ảnh đại diện cho thanh niên VN trước bạn bè quốc tế. Vì vậy để vào được 2 nhóm này, ngoài khả năng tiếng Anh tốt phải hội đủ các tiêu chuẩn sau: nam cao từ 1m67 trở lên, nữ cao 1m57 trở lên; hình thức ưa nhìn; không say xe; nhiệt tình, khả năng ứng xử tình huống tốt. Chỉ thiếu một trong các tiêu chuẩn trên coi như bị loại.
Tuyển chọn khắt khe - Ảnh: T.H |
Chứng kiến buổi tuyển chọn TNV tại Trường ĐH Hà Nội mới thấy, "khiêm tốn" về chiều cao quả là thiệt thòi lớn cho các bạn nữ. Một bạn gái ngậm ngùi tiếc rẻ: "Giá như mình cao thêm 1 cm nữa thì tốt biết mấy. Nếu được làm ở nhóm VIP, mình sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng nhiều nguyên thủ. Nhưng thôi, được làm TNV trong hội nghị APEC đã là may mắn lắm rồi". Bạn Lê Thu Hà (SV Trường ĐH Hà Nội) cho biết: "Phải qua 3 vòng phỏng vấn trực tiếp, vòng tuyển chọn ngoại hình và tập huấn chạy thử xe mình mới được chọn vào danh sách dẫn đoàn đấy. Riêng lớp mình bị loại hơn một nửa". Vừa học trên lớp, đi làm thêm, vừa đi tập huấn, đối với các TNV Trường ĐH Hà Nội cũng khá mệt, song đã lọt qua kỳ thi tuyển khắt khe rồi, họ vẫn còn cả một chặng đường để vượt qua.
4 năm = 10 ngày thực tập
Đối với các TNV Học viện Quan hệ quốc tế, 10 ngày diễn ra hội nghị APEC cực kỳ quan trọng. Không chỉ đơn thuần tham gia phục vụ APEC, đây còn được xem là đợt thực tập đánh giá kết quả học tập của những nhà ngoại giao tương lai sau 4 năm học. Mạc Như Quỳnh, TNV tháp tùng đoàn đại biểu cấp cao Malaysia bộc bạch: "Khác với các anh chị khóa trước, thay vì thực tập ở Bộ Ngoại giao, 136 SV năm cuối sẽ đi thực tập tại APEC. Theo mình, đây sẽ là động lực khuyến khích SV nỗ lực làm tròn trách nhiệm. Ai cũng biết, từ lý thuyết sách vở đến thực tế là khoảng cách khá xa. Bọn mình tự bảo nhau phải tuyệt đối thận trọng trong cử chỉ, lời ăn tiếng nói. Các quan chức rất đa dạng, có người dễ tính, nhưng cũng có nhiều người khó tính. Vì vậy, trong ngoại giao tuyệt đối không để xảy ra những sai sót dù là nhỏ nhất".
Nhiều bạn TNV cho rằng, làm TNV dẫn đoàn phải am hiểu về lịch sử, văn hóa quốc gia mình sẽ phụ trách. Tuy nhiên, với Nguyễn Minh Ngọc, TNV tháp tùng đoàn Mỹ, như thế vẫn chưa đủ: "Kinh nghiệm từ các anh chị đi hội nghị ASEM cho thấy, có rất nhiều vị khách nước ngoài đặt những câu hỏi khó về VN khiến TNV nhà ta lúng túng không biết xử trí thế nào. Là người VN, trước tiên phải hiểu về lịch sử, văn hóa VN. Thay vì nói không biết, mình sẽ nói: tôi sẽ cố gắng tìm câu trả lời làm quý vị hài lòng. Nhất định, mình sẽ không bỏ qua cơ hội này để quảng bá hình ảnh VN trước bạn bè quốc tế".
“Ấm ức” chuyện TNV
Do thiếu phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tổ chức sự kiện của Tuần lễ cấp cao APEC nên Trường ĐH Hà Nội nhận liền một lúc 3 "đơn đặt hàng" cung cấp TNV, trong khi đó, các trường khác tại Hà Nội có thế mạnh không kém về ngoại ngữ lại không được ngó ngàng. Gần 600 SV Trường ĐH Hà Nội được huy động cho Tiểu ban Văn hóa - Tuyên truyền, Tiểu ban Vật chất - Hậu cần, và Saigon Tourist Hà Nội. 180 SV được huy động làm công tác TNV báo chí cho Tiểu ban Tuyên truyền - Văn hóa sẽ giúp đỡ, hướng dẫn cho khoảng hơn 1.000 phóng viên nước ngoài đến đưa tin về hội nghị. Và 100 SV được Tiểu ban Vật chất - Hậu cần huy động sẽ phục vụ tại Trung tâm Hội nghị quốc gia mới khánh thành. Công ty Saigon Tourist Hà Nội, đơn vị trúng thầu cung cấp dịch vụ cho CEO Summit do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN chủ trì cũng huy động 300 SV để phục vụ gần 10 phiên họp của trên 1.000 doanh nhân hàng đầu trong khu vực APEC.
Học viện Quan hệ quốc tế tuy là "người nhà" của Bộ Ngoại giao nhưng cũng chỉ được huy động hơn 150 SV. Rất nhiều bạn trong trường thiết tha bày tỏ nguyện vọng phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC nhưng đành phải ngậm ngùi vì Ban tổ chức không thể lấy nhiều hơn.
T.H - X.D
Bình luận (0)