Làm vệ sĩ dễ như chơi - Bài 6: Vệ sĩ không... tiền!

18/09/2010 01:41 GMT+7

Tình trạng vệ sĩ không được chọn lọc và đào tạo như quy định là tình hình chung, không chỉ ở TP.HCM.

Lực lượng công an cùng các ngành chức năng TP Cần Thơ vừa có cuộc tổng rà soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ trên địa bàn và cho thấy bức tranh cũng vô cùng bát nháo.

Lừa người lao động

Nhìn bề ngoài, nghề vệ sĩ có vẻ “oai vệ”, với bộ quần áo được trang bị, bên hông đeo cây roi điện, luôn túc trực trước các mục tiêu bảo vệ, phần nào cũng làm yên tâm thân chủ. Tuy nhiên, qua tìm hiểu và trao đổi với nhiều người đã và đang làm công  việc này cho thấy, do cuộc sống khó khăn muốn tìm một việc làm tạm thời nên phải đi làm, chứ thực sự không xem đó là một nghề mà mình sẽ gắn bó vì có quá nhiều bất trắc do sự bát nháo chung của tình hình hoạt động dịch vụ này.

Trường hợp của anh T.D.B (28 tuổi, quê tại quận Ô Môn) là một ví dụ: xuất thân là bộ đội xuất ngũ, trình độ văn hóa chỉ lớp 8, nên đi xin việc nhiều nơi không ai nhận, sau thời gian làm thuê kiếm sống qua ngày, trong một lần đi ngang một nhà hàng thấy có mấy anh bảo vệ đang giữ xe nên hỏi thăm và được hướng dẫn đến Công ty TNHH - DVBV Đ.A trên đường Phạm Ngũ Lão, P.An Hòa,  Q.Ninh Kiều để xin việc. Không ngờ xin việc lại quá dễ dàng. Hôm anh đến công ty, chỉ qua vài câu trao đổi, biết anh là bộ đội xuất ngũ, công ty đồng ý nhận ngay, thủ tục chỉ cần viết vào đơn xin việc làm và viết sơ yếu lý lịch (không cần xác nhận của chính quyền địa phương) tại chỗ, xong thì giám đốc báo sẽ đi làm ngay trong ngày mai với mức lương là 1,5 đồng triệu đồng/tháng. Sau đó, yêu cầu mua 2 bộ đồng phục giá 500 ngàn đồng. Theo hẹn, anh đến công ty nhận việc thì được nhân viên dẫn xuống một quán cà phê cũng trên đường Phạm Ngũ Lão và cho biết trách nhiệm của anh là giữ và dắt xe cho khách khi ra vào uống cà phê (!). Điều đáng nói là làm được hơn một tháng, khi đến công ty xin nhận lương thì nhà kế bên cho biết công ty đã dời trụ sở đi chỗ khác rồi và không biết ở đâu, điện thoại đến vị giám đốc thì không bắt máy. Thế là hơn một tháng làm không công và mất tiền để giữ lại bộ đồ làm kỷ niệm nghề... vệ sĩ!?

Dùng vệ sĩ đối đầu vệ sĩ
Tại Bệnh viện Đa khoa Tây Đô (Cần Thơ) đã xảy ra sự việc hy hữu: tranh chấp nội bộ giữa các thành viên góp vốn và Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) bệnh viện này, Chủ tịch HĐTV đã thuê hàng chục vệ sĩ túc trực ngày đêm để phong tỏa khu hành chính bệnh viện và hằng ngày luôn có hàng chục vệ sĩ đứng chặn ngay chân cầu thang để không cho tổng giám đốc bệnh viện và các thành viên HĐTV lên phòng làm việc. Để đối phó lại, trong lúc chờ các cơ quan chức năng giải quyết, tổng giám đốc và các thành viên cũng thuê gần 50 vệ sĩ khác đi theo bảo vệ kè kè kế bên để đến bệnh viện làm việc... Tình trạng căng thẳng như sợi dây đàn này khiến các cơ quan chức năng lo ngại rằng vệ sĩ 2 bên có thể sẽ hành xử quá chức năng của nghề vệ sĩ và như thế hậu quả sẽ thật khó lường!

Tương tự như anh B., anh N.H.D ngụ Q.Cái Răng, trong một lần tình cờ đi trên đường Cách Mạng Tháng 8, P.Bình Thủy, Q.Bình Thủy anh thấy Công ty TNHH-BVDV T.Đ treo bảng cần tuyển gấp 500 vệ sĩ, bảo vệ thu nhập cao... anh ghé vào xin việc và cũng được nhận ngay, với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng. Sau khi đóng tiền mua 2 bộ đồ, anh được phát 1 cây gậy bằng gỗ sơn đỏ trắng và được hướng dẫn xuống “mục tiêu” là một quán nhậu bình dân trong một con hẻm cũng trên đường Cách Mạng Tháng 8 và cho biết nhiệm vụ của anh cũng là giữ xe cho khách đến ăn nhậu. Làm được hơn 1 tháng, đến công ty lãnh lương thì anh “tá hỏa” khi biết công ty đã giải thể gần một tháng và giám đốc đã bỏ trốn. Trở lại quán nhậu thì được biết thêm, Công ty T.Đ đã ký hợp đồng và nhận trước 3 tháng tiền lương của anh với số tiền là 7,5 triệu đồng...         

Phát hiện hàng loạt sai phạm           

Theo số liệu báo cáo, đến nay TP Cần Thơ có 32 cơ sở kinh doanh dịch vụ bảo vệ với gần 2.000 người tham gia.

Nghe tiếng “công ty dịch vụ bảo vệ” thì tưởng to, nhưng theo báo cáo của đoàn kiểm tra, qua kiểm tra các cơ sở kinh doanh DVBV, lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều công ty chỉ có 3 nhân viên, trong đó cha làm giám đốc, con làm phó giám đốc và đứa cháu làm kế toán, còn nơi làm việc thì tại một con hẻm sâu. Đoàn kiểm tra phải mất nhiều thời gian mới tìm được địa chỉ của công ty theo giấy phép đăng ký, nơi làm việc diện tích chỉ có trên dưới 10m2, đủ để kê cái bàn làm việc và vài cái ghế.

Có công ty khá hơn thì có danh sách hàng chục nhân viên, nhưng khi đoàn kiểm tra yêu cầu cho xem các hợp đồng DVBV đã ký trong thời gian qua thì được giám đốc công ty trả lời tỉnh queo: “Từ khi thành lập đến nay, công ty chưa có ký hợp đồng bảo vệ với ai cả, ở đây chủ yếu cung cấp dịch vụ giữ xe tại... các quán cà phê và quán nhậu (?!) nên không có ký hợp đồng”. Điều đáng nói hơn là phần lớn công ty DVBV trên địa bàn TP Cần Thơ chỉ hoạt động lèo tèo như vậy, nhưng công ty nào cũng treo bảng hoành tráng trước cửa: Cần tuyển gấp 500 vệ sĩ, bảo vệ, thu nhập cao... Ngoài ra, khi đoàn kiểm tra hồ sơ nhân viên, cũng phát hiện có công ty có 50-60 nhân viên, nhưng hồ sơ tuyển dụng lao động thì lại không có giấy khám sức khỏe, lý lịch không có xác nhận của chính quyền địa phương, không ký kết hợp đồng lao động theo quy định, không xây dựng nội quy lao động tập thể, thậm chí không đăng ký danh sách lao động cho Sở LĐ-TB-XH và không mua chế độ BHXH, BHYT cho nhân viên. Cụ thể, trong 32 cơ sở kinh doanh chỉ có 13 cơ sở đăng ký hoạt động, có vốn pháp định đúng quy định, chỉ có 16 người đứng đầu công ty, chi nhánh văn phòng đại diện đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học. Điều đáng nói là trong số nhân viên vệ sĩ, bảo vệ đang làm việc có đến 723 nhân viên chưa được đào tạo nghiệp vụ, 234 nhân viên không có hợp đồng lao động và 919 nhân viên có trình độ văn hóa THCS (lớp 9) trở xuống...

Ngoài ra trong quá trình kiểm tra, các ngành chức năng còn phát hiện 427 công cụ hỗ trợ gồm 11 roi điện, 203 gậy sắt, 213 gậy cao su mà các công ty bảo vệ mua trôi nổi ngoài thị trường để tự trang bị cho nhân viên của mình, không có giấy phép sử dụng theo quy định. Có công ty có hàng chục nhân viên nhưng không đăng ký xin mua công cụ hỗ trợ tại cơ quan chức năng mà dùng gậy gỗ để làm công cụ cho nhân viên mình làm nhiệm vụ (?!).

Mai Trâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.