Làm việc ngày thứ bảy: Cần thiết nhưng phải chọn lọc

12/03/2009 23:13 GMT+7

Hầu hết các chuyên gia nghiên cứu về quản lý nhà nước và tổ chức bộ máy hành chính đều cho rằng, chủ trương làm việc ngày thứ bảy là rất đúng, nhưng cần phải có cách làm phù hợp.

Phóng viên Báo Thanh Niên đã phỏng vấn tiến sĩ David Koh, người chủ trì nhóm chuyên gia nghiên cứu về cơ cấu tổ chức điều hành và quản lý nhà nước, thuộc chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP). Tiến sĩ David Koh cho rằng: cơ quan hành chính làm việc sáng thứ bảy là rất cần thiết. Thậm chí, một số cơ quan cung cấp dịch vụ hành chính công có thể tính đến phương án làm việc ngoài giờ hành chính vào một số ngày trong tuần để phục vụ những người làm việc trong giờ hành chính. Một số gia đình trẻ cả hai vợ chồng là cán bộ cơ quan nhà nước, giờ hành chính họ cũng phải làm việc. Trong khi đó, như bất cứ người nào khác, họ cũng có nhu cầu chứng thực, nhu cầu xin giấy phép xây dựng hay các thủ tục hành chính khác. Trong giờ hành chính, nếu họ đi làm các công việc này thì sẽ xảy ra xung đột lợi ích. Họ phải nghỉ việc tại cơ quan (nơi mà họ có bổn phận phải phục vụ người dân) để đi làm việc tư cho họ. Những người làm việc tại doanh nghiệp cũng có khó khăn tương tự. Nhiều người phải xin nghỉ làm với lý do đi giải quyết thủ tục hành chính của bản thân hoặc của gia đình. Lãnh đạo của cơ quan, công ty này cũng khó từ chối, bởi đó là lý do chính đáng (khi họ hết giờ làm thì cơ quan hành chính cũng đóng cửa). Chính vì vậy, cơ quan hành chính làm việc ngày thứ bảy là giải pháp tốt nhất để giúp những người làm việc tại cơ quan nhà nước, doanh nghiệp có thể giải quyết thủ tục hành chính của cá nhân họ. Các vị lãnh đạo cũng có căn cứ đề từ chối lý do xin nghỉ của nhân viên, buộc nhân viên không được "ăn bớt" thời gian làm việc để đi giải quyết việc riêng. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện làm việc vào ngày nghỉ như thế nào cần phải chọn lọc hợp lý.

Tiến sĩ Phạm Chi Lan, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển cho rằng: về mặt kinh tế, tổ chức đại trà trên toàn quốc làm việc ngày thứ bảy là lãng phí. Đáng ra, chúng ta cần làm thí điểm, để xem địa phương nào cần làm, lĩnh vực gì, thủ tục hành chính gì người dân thực sự có nhu cầu. Chỉ những lĩnh vực có nhu cầu thực sự của đa số người dân ở một địa phương nào đó thì nơi ấy mới cần tổ chức bộ máy để làm việc sáng thứ bảy. Ngoài việc chi tiền ngân sách, cần tính đến phương án những người được thụ hưởng dịch vụ hành chính công vào sáng thứ bảy cũng phải chịu một khoản phí cao hơn so với bình thường. Đổi lại, họ được phục vụ vào ngày nghỉ và có thể ngày nghỉ vắng hơn ngày thường.

Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ chỉ ra giải pháp để tháo gỡ tình trạng "lãng phí dịch vụ công" như hiện nay: cơ quan hành chính làm việc ngày thứ bảy cần có chọn lọc. Chỗ nào có nhu cầu thì tổ chức, nơi nào không cần thì nên dừng lại. Chủ trương là phục vụ nhân dân nhưng việc phục vụ phải có hiệu quả, thiết thực. Làm tràn lan là lãng phí. Để thực hiện chủ trương này, Chính phủ chỉ cần cho cơ chế, còn tùy theo nhu cầu, địa phương, bộ ngành tự đề xuất, tự quyết định. Đây là trách nhiệm của các địa phương hoặc các cơ quan, đơn vị. Có những nơi ở vùng sâu vùng xa, ngày thường còn không có việc nói gì ngày nghỉ. Nhu cầu của người dân là vô cùng nhưng việc thực hiện phải cân nhắc. Cần tạo cho cán bộ công chức và người dân ý thức rằng tuần làm việc có 5 ngày và họ phải làm hết công suất, làm hết công suất đã là quá tốt rồi. Ở các thành phố hoặc các cơ quan có nhiều việc thì cần làm thêm giờ, cái này đã được quy định trong Luật Lao động, Luật Công chức. Hiện nay, khi đã thực hiện đại trà rồi, cần sớm có báo cáo chi tiết ở các nơi đã tổ chức để đánh giá xem hiệu quả thế nào, lãng phí ra sao. Muốn giải quyết tình trạng cán bộ chờ dân trong ngày thứ bảy, cần có cơ chế mở cho địa phương chủ động dừng các dịch vụ hành chính ít người thực hiện để tránh lãng phí không cần thiết.

Káp Thành Long

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.