Áp dụng “chữa bệnh” cho…điện bằng công nghệ thông minh của Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) góp phần ngăn ngừa sự cố, nâng cao độ tin cậy trong cung cấp điện, đồng thời nhanh chóng phát hiện, tiên đoán những tình trạng bất thường của thiết bị đang vận hành.
Từ nhu cầu thực tế…
Trong quá trình hoạt động của điện lưới, sự cố xảy ra là điều bất khả kháng, tuy nhiên nếu không không kịp thời nhận diện và xử lý… đúng bài thì hậu quả sẽ rất khó lường. Tại trạm 110kV Bến Thành (Q.1) khi phát hiện nhiệt độ cao bất thường tại đầu cosse pha B MBT T2, cán bộ kỹ thuật kiểm tra chuyên sâu thêm mới phát hiện lỏng tiếp xúc giữa các ty sứ và dây dẫn. Tương tự, tại trạm 110kV Nam Sài Gòn 1, sau khi chấm điểm CHI (chỉ số sức khỏe của thiết bị - Condition Health Index), đã xác định MBT T1 cần tách vận hành ngay để kiểm tra chuyên sâu. Kết quả kiểm tra ghi nhận điểm tiếp xúc giữa các mối nối dây đồng mềm với thanh đồng cứng của cuộn dây trung thế MBT có dấu hiệu bất thường gây phóng điện bên trong, phát sinh nhiệt và khí trong dầu. Một ví dụ khác: Ở trạm 110kV Trường Đua và Linh Trung 2 (Q.Thủ Đức), đã phát hiện các giá trị thử nghiệm tang sứ MBT cao bất thường so với lần kiểm tra định kỳ năm 2018. Triển khai kiểm tra chuyên sâu đã phát hiện điểm tiếp xúc xấu giữa ty sứ và đầu cosse MBT. Các bất thường trên đều đã được nhân viên kỹ thuật EVNHCMC tổ chức xử lý ngay lập tức để tái lập vận hành an toàn, mà không chờ đến hạn bảo trì sửa chữa định kỳ.
|
…Đến những ưu điểm vượt trội của ứng dụng CBM
Hiện nay, EVNHCMC vẫn đang sử dụng phương pháp truyền thống sửa chữa bảo dưỡng theo thời gian, đề cao yếu tố “định kỳ” nên ít cân nhắc điều kiện thực tế của thiết bị khi lập kế hoạch và thực hiện bảo trì, đã dẫn tới tình trạng lãng phí khi đến hạn bảo dưỡng mà thiết bị vẫn còn trong trạng thái vận hành tốt. Hoặc ngược lại, thường bị động trong việc bố trí nguồn lực nếu chẳng may thiết bị chưa đến hạn sửa chữa lại phát hiện nhiều dấu hiệu bất thường.
Nhờ sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, bao gồm công nghệ chẩn đoán và thử nghiệm tiên tiến, các công ty điện lực tiên tiến trên thế giới đều chuyển qua áp dụng phương pháp sửa chữa bảo dưỡng theo tình trạng thiết bị CBM (còn gọi là sửa chữa bảo dưỡng khi cần thiết). Phương pháp này áp dụng các công nghệ chẩn đoán, thử nghiệm thiết bị tiến tiến để tìm ra giá trị chỉ số sức khỏe của thiết bị (Condition Health Index - CHI), từ đó có quyết định sửa chữa và thời điểm thực hiện một cách phù hợp. Việc ứng dụng phương pháp sửa chữa bảo dưỡng tiên tiến theo phương pháp CBM còn góp phần nâng cao độ tin cậy cung cấp điện cũng như tối ưu hóa việc sử dụng vốn.
|
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết: “Khi được lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tin tưởng giao nhiệm vụ, đơn vị đã phối hợp với Viện nghiên cứu Uniten R&D thuộc Công ty Điện lực TNB - Malaysia để triển khai ứng dụng phương pháp sửa chữa bảo dưỡng theo phương pháp CBM vào lưới điện TP.HCM. Đến nay, chúng tôi đã hoàn thành chương trình đào tạo nguồn nhân lực, thực hiện việc mua sắm các thiết bị chẩn đoán hiện đại, hoàn thiện các phần mềm tính toán tự động các chỉ số sức khỏe của các thiết bị, để triển khai áp dụng rộng rãi phương pháp sửa chữa bảo dưỡng theo phương pháp CBM trên lưới điện phân phối ngay trong năm 2020”.
Hướng tới tương lai, Phó tổng giám đốc EVNHCMC Nguyễn Văn Thanh khẳng định: “Tổng công ty quyết tâm thông qua việc ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học công nghệ trong quản lý vận hành hệ thống điện và dịch vụ khách hàng, để không ngừng nâng cao chất lượng cung cấp điện và mang lại sự hài lòng của khách hàng”.
Bình luận (0)