Lần đầu tiên, các y bác sĩ của khoa Tim mạch can thiệp thuộc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện T.Ư Huế đã sử dụng mũi khoan có gắn kim cương để khoan thủng mảng vôi hóa gây tắc động mạch vành để điều trị thành công cho một bệnh nhân bị tắc mạch vành nặng.
TS Hồ An Bình thăm bệnh nhân đã hồi phục sau ca can thiệp - Ảnh: BNL |
Ngày 8.4, TS Nguyễn Cửu Lợi, Trưởng khoa Tim mạch can thiệp thuộc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện T.Ư Huế, cho biết bệnh viện vừa áp dụng thành công kỹ thuật Rotablator (khoan mảng vữa) để điều trị thành công cho một trường hợp tổn thương hẹp bị vôi hóa nặng ở động mạch vành liên thất trước.
Ca can thiệp được thực hiện ngày 7.4, cho bệnh nhân Hồ Xuân Thương (70 tuổi, trú tại TP.Đà Nẵng). Ông Thương trước đó nhập viện tại Bệnh viện Đà Nẵng vì đau thắt ngực, chụp động mạch vành phát hiện tổn thương hẹp đoạn ngắn ở động mạch vành liên thất trước. Các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng đã cố gắng nong tổn thương nhiều lần nhưng không thành công nên đã chuyển ra Trung tâm Tim mạch Bệnh viện T.Ư Huế.
Hình ảnh trước và sau khi các bác sĩ tiến hành khoan mảng vôi bám và nong mạch vành cho bệnh nhân
|
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, ê kíp bác sĩ tim mạch can thiệp của Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện T.Ư Huế gồm TS Nguyễn Cửu Lợi và TS Hồ Anh Bình đã áp dụng kỹ thuật Rotablator để khoan rộng mảng vữa vôi hóa này, tạo điều kiện thuận lợi để nong và đặt stent thành công.
Sau một ngày được can thiệp, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định và đang chờ xuất viện.
TS Nguyễn Cửu Lợi cho biết đây là kỹ thuật hiện đại với công nghệ chế tạo rất cao, gồm một đầu khoan nhỏ 1-1,5mm, có đính nhiều mảnh kim cương rất nhỏ, được đưa vào tổn thương động mạch vành qua một dây dẫn nhỏ và được điều khiển quay với vận tốc rất cao để khoan thủng các tổn thương hẹp do mảng vữa vôi hóa.
Việc áp dụng thành công kỹ thuật này trong lĩnh vực tim mạch can thiệp đang mở ra thêm nhiều cơ hội cứu sống bệnh nhân bị tắc mạch vành nặng do các tổn thương vôi hóa mà kỹ thuật can thiệp thông thường không thể thực hiện.
Bình luận (0)