Đó là thông tin được đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ chia sẻ tại hội nghị giao ban thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài do Bộ Công thương tổ chức sáng 31.1 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, năm 2022, quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Mỹ vẫn tăng trưởng khả quan. Kim ngạch xuất khẩu tháng 12.2022 đạt 8,19 tỉ USD đưa tổng kim ngạch xuất khẩu cả năm 2022 đạt 109,38 tỉ USD. Đây cũng là lần đầu tiên hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang một thị trường đạt mốc 100 tỉ USD.
Ở nhiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ về Việt Nam trong 2022 đạt 14,47 tỉ USD, giảm 5,2% đưa tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 lên 123,86 tỉ USD, tăng 11%. Cán cân thương mại đạt thặng dư 94,91 tỉ USD, tăng 17% so với năm 2021.
Trong nhóm hàng Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ có 13 nhóm hàng đạt trên 1 tỉ USD, trong đó có 4 nhóm trên 10 tỉ USD; 2 nhóm hàng xuất khẩu tiến tới mốc 20 tỉ USD gồm dệt may và máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng khác.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ nhấn mạnh, Mỹ là một thị trường xuất khẩu không hề dễ dàng khi có nhiều quy định và thủ tục phức tạp và ngặt nghèo. Nhưng Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ. Mỹ đang là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam. Mỹ đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Tuy nhiên, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ sẽ chịu sự cạnh tranh của hàng hoá từ các quốc gia đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như nông thuỷ sản, dệt may, da giày, trong khi năng lực sản xuất ở một số ngành khó có khả năng tăng trưởng cao. Doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với các rào cản thương mại, rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Mỹ cũng là quốc gia thường xuyên áp dụng các biện pháp phóng vệ thương mại không chỉ tác động đến một doanh nghiệp mà còn toàn ngành và các đối tác có thể tìm phương án lựa chọn từ quốc gia khác.
Cũng theo Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, hiện tại Mỹ đang là thị trường khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Thống kê đến tháng 12.2022, Mỹ đã khởi xướng 52 vụ điều tra phòng vệ thương mại, chủ yếu là điều tra chống bán phá giá và chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp thông qua gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.
Các sản phẩm bị điều tra khá đa dạng, từ nông lâm thủy sản như: gỗ, cá tra, cá basa, tôm, mật ong, tới các sản phẩm công nghiệp như xe rơ móc kéo, thép, máy cắt cỏ...thậm chí sản phẩm bìa kẹp hồ sơ. Điều này cho thấy Mỹ đang tăng cường quản lý các mặt hàng đã bị áp thuế phòng vệ thương mại để đảm bảo hiệu quả thực thi của các biện pháp đã áp dụng.
Cũng theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Mỹ, nhiều báo cáo, phân tích chỉ ra nền kinh tế Mỹ sẽ sớm rơi vào suy thoái kinh tế trong năm 2023, tuy nhiên sự suy giảm này sẽ tương đối nhẹ và ngắn, đồng thời tăng trưởng sẽ phục hồi vào năm 2024 khi lạm phát tiếp tục giảm và FED bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ. Trong năm 2023, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ dự báo hoàn toàn có thể kỳ vọng kim ngạch thương mại hai chiều giữa 2 nước tiếp tục vượt mốc 100 tỉ USD nhưng sẽ là một năm đầy khó khăn, thách thức đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ.
Bình luận (0)