(Tin Nóng) Giới thiên văn học cuối cùng đã tìm được nước bên ngoài hệ mặt trời tại nơi lạnh lẽo nhất trong dải ngân hà - sao lùn nâu từng ghi danh vào lịch sử là sao nguội nhất thiên hà.
Sao WISE 0855 theo mô phỏng của các chuyên gia NASA - Ảnh: NASA
|
Được phát hiện vào năm 2014, WISE 0855 không phải là hành tinh lẫn ngôi sao, thay vào đó là sao lùn nằm ở hệ mặt trời gần thứ 4 so với hệ sao của chúng ta, ở khoảng cách chỉ 7,2 năm ánh sáng.
Các nhà khoa học của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã nghiên cứu WISE 0855 với hy vọng có thể hiểu rõ hơn về sao Mộc và những hành tinh có khí quyển tương tự.
Tuy nhiên, điều bất ngờ đã xuất hiện: mây của sao lùn nâu trên chứa nước.
“Chúng tôi từng cho rằng một thiên thể lạnh ắt hẳn phải có mây nước, và WISE 0855 chính là bằng chứng tốt nhất cho lập luận này”, theo Tech Times ngày 10.7 dẫn lời trưởng nhóm Andrew Skemer, trợ lý giáo sư về thiên văn học và vật lý học thiên thể tại Đại học California Santa Cruz.
Trước đó, các nhà khoa học từng hoài nghi WISE 0855 chứa mây nước, nhưng lúc đó vẫn chưa có đủ bằng chứng để đưa ra kết luận cuối cùng.
Nhờ vào kính viễn vọng Gemini North ở tiểu bang Hawaii, cuối cùng họ cũng tìm được chứng cứ xác thực cho nghi vấn trên, đồng thời cũng xác nhận nhiệt độ trên WISE 0855 luôn ở mức âm 23,3 độ C.
Giống như các sao lùn nâu khác, WISE 0855 bắt đầu quá trình tượng hình tương tự như sao bình thường, nhưng không đủ khối lượng để kích hoạt các phản ứng hạt nhân.
Do vậy, WISE 0855 là một ngôi sao thất bại, được bao phủ bằng hơi nước và mây, nhìn bề ngoài hết sức tương đồng với sao Mộc.
Bình luận (0)