Lần đầu vận chuyển 300 tấn LNG bằng đường sắt ra miền Bắc

06/09/2024 19:29 GMT+7

Lần đầu tiên, 300 tấn khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) được vận chuyển bằng đường sắt từ miền Nam ra miền Bắc, đánh dấu cột mốc quan trọng cho ngành công nghiệp khí tại Việt Nam.

Chiều 6.9, tại ga tàu lửa Trảng Bom (xã Quảng Tiến, H.Trảng Bom, Đồng Nai), Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) tổ chức lễ khởi hành chuyến tàu chở những tấn LNG đầu tiên từ miền Nam ra miền Bắc, đánh dấu cột mốc quan trọng cho ngành công nghiệp khí tại Việt Nam.

Lần đầu vận chuyển 300 tấn LNG bằng đường sắt ra miền Bắc- Ảnh 1.

Việc vận chuyển LNG bằng đường sắt mở ra tiềm năng cho các hình thức vận tải đa phương thức, kết hợp giữa đường biển, đường bộ và đường sắt; tạo ra một hệ thống cung ứng năng lượng toàn diện, linh hoạt và bền vững

ẢNH: PV GAS

Đoàn tàu khởi hành từ ga Trảng Bom bao gồm 16 ISO Tank (container bồn - PV), chứa khoảng 300 tấn LNG (khoảng 180.000 m3 khí hóa lỏng), sẽ vượt hành trình gần 1.700 km để đến ga Đông Anh (Hà Nội).

Ở đoàn tàu LNG đầu tiên này, các toa xe chuyên dụng được thiết kế riêng, phù hợp với tuyến đường sắt sẵn có. Với công nghệ cách nhiệt tiên tiến, ISO Tank LNG có thể giữ nhiệt độ thích hợp (-162 độ C) trong suốt quá trình vận chuyển.

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), chuyến tàu LNG đầu tiên sẽ được ưu tiên lưu thông toàn tuyến để đảm bảo tiến độ, với thời gian vận chuyển dự kiến trong 3 ngày, gần tương đương với vận chuyển bằng đường bộ.

Việc vận chuyển LNG bằng đường sắt được đánh giá mở ra tiềm năng cho các hình thức vận tải đa phương thức, kết hợp giữa đường biển, đường bộ và đường sắt; tạo ra một hệ thống cung ứng năng lượng toàn diện, linh hoạt và bền vững. Đây là tiền đề quan trọng để PV GAS tiếp tục phát triển các dịch vụ và gói giải pháp mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đa dạng của thị trường.

Định hướng những chuyến hàng LNG bằng đường sắt không những giúp bản đồ cung ứng, kinh doanh khí tích hợp của PV GAS mở rộng ra cả nước, đến cả những khu vực không có mạng lưới đường ống dẫn khí tự nhiên; mà còn giúp giảm thiểu yêu cầu sử dụng các phương tiện vận chuyển LNG khác như đường biển hay đường bộ, giảm đáng kể lượng khí thải CO2 và những tác động đến môi trường.

Từ quá trình phân phối LNG đang hứa hẹn những hiệu quả thiết thực này, Việt Nam đạt tới những điều kiện thúc đẩy sự phát triển các nguồn năng lượng sạch và bền vững trong tương lai.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.