Khi thể thức giải U.19 Đông Nam Á chuyển từ chọn 2 đội mỗi bảng, thành chỉ chọn đội đầu bảng cùng đội nhì bảng có thành tích tốt nhất vào bán kết, U.19 Việt Nam đã hướng tới mục tiêu: cần thắng U.19 Myanmar và U.19 Lào, đồng thời có tối thiểu 1 điểm trước U.19 Úc mới có hy vọng đi tiếp.
Tuy nhiên, thầy trò HLV Hứa Hiền Vinh thất bại ở cả hai nhiệm vụ đầu tiên. U.19 Việt Nam để U.19 Myanmar cầm hòa 1-1 với bàn thắng bị từ chối ở phút cuối của Văn Nam. Còn trận gặp U.19 Úc, Văn Bình cùng đồng đội thua tâm phục khẩu phục với tỷ số 2-6. Với 1 điểm sau 2 trận, cơ hội vào bán kết của U.19 Việt Nam gần như đã hết.
Thể thức chọn đội nhì bảng xuất sắc nhất (đồng nghĩa các đội phải vừa đá vừa ngóng) trở nên khắc nghiệt với U.19 Việt Nam, trong bối cảnh đội phải cùng bảng với "ông lớn" U.19 Úc, đối thủ vốn trên tầm Đông Nam Á. Dù vậy, các cầu thủ trẻ cần sớm được làm quen với sự khắc nghiệt của bóng đá đỉnh cao.
U.19 Việt Nam sẩy chân trước U.19 Úc, nhưng nếu bị loại, nút thắt phải là trận gặp U.19 Myanmar. Các học trò HLV Hứa Hiền Vinh không thể giải quyết đối thủ yếu hơn, để rồi rơi vào thế bị động. Bóng đá là vậy, một sai lầm đủ sức định đoạt cả trận đấu. Huống chi, U.19 Việt Nam đã mắc nhiều sai lầm.
Câu hỏi đặt ra lúc này là: nếu U.19 Việt Nam thất bại ở giải Đông Nam Á, điều đó có đáng lo? Về mặt kết quả thì chưa. Ở ngưỡng đôi mươi, các cầu thủ cần được va chạm với sai lầm để tiến bộ, tích lũy thêm vốn quý cho sự nghiệp. Nhưng về mặt đường dài, rõ ràng bóng đá Việt Nam đang đối mặt thực tế khó khăn.
Vì sao lứa U.19 lại đáng quan tâm với hầu hết nền bóng đá, đặc biệt là Việt Nam? Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, đây là độ tuổi mà cầu thủ chuẩn bị thoát khỏi ngưỡng trẻ để bước vào "cửa ngõ" bóng đá chuyên nghiệp. Có lẽ chỉ ở châu Á, người ta mới quan niệm 23 tuổi vẫn còn là... trẻ. Ở châu Âu, sau độ tuổi 21, cầu thủ không còn trẻ nữa, mà đã bước chân vào thế giới bóng đá đỉnh cao. Lứa tuổi 19, đôi mươi là ngã rẽ, nơi một cầu thủ tiềm năng sẽ bứt lên nhanh chóng, và ngược lại.
Bóng đá Việt Nam từng tạo nên kỳ tích Thường Châu (á quân giải U.23 châu Á 2018), nhờ hai lứa U.19 xuất sắc cùng tỏa sáng đồng thời. Đó là lứa U.19 năm 2013 - 2014 của Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Xuân Trường, Duy Mạnh, Đức Huy, Tiến Dũng kết hợp với lứa U.19 năm 2015 - 2016 của Quang Hải, Văn Hậu, Đình Trọng, Hoàng Đức...
Trước khi cùng "hợp nhất" thành một đội bóng, cả hai lứa U.19 này đều sáng rực ở các giải trẻ. U.19 Việt Nam của Công Phượng trình diễn lối chơi đẹp mắt, cống hiến với hai lần về nhì ở giải Đông Nam Á (2013, 2014), còn U.19 Việt Nam thế hệ kế cận do ông Hoàng Anh Tuấn huấn luyện thậm chí đi xa hơn: vào bán kết châu Á (2016), giành vé dự U.20 World Cup.
Một lứa U.19 có thành tích tốt, chưa chắc đảm bảo tương lai rực rỡ. Nhưng nếu muốn tiến xa trong tương lai, tập thể trẻ ấy phải thể hiện được tiềm năng khi đã chạm ngõ 19 tuổi. Hãy nhìn lứa U.19 Việt Nam gần nhất: Văn Khang, Văn Trường được gọi lên U.23 Việt Nam từ sớm, Quốc Việt là vua giải trẻ, vậy mà còn chật vật. Lứa U.19 Việt Nam hiện tại có gì để so sánh với đàn anh?
Câu trả lời là... chưa có gì rõ ràng cả. Trong danh sách 23 cầu thủ dự giải Đông Nam Á của HLV Hứa Hiền Vinh, có 10 cầu thủ thuộc biên chế các đội đá V-League (như SLNA, Thể Công Viettel), nhưng số người được trao cơ hội ở đội một rất ít ỏi, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là thực tế lâu nay của bóng đá trẻ Việt Nam, số trận mỗi năm ở các giải trẻ (tính cả vòng loại và vòng chung kết) chỉ rơi vào khoảng 10 đến 15 trận. Trong khi đó, cựu HLV Philippe Troussier của đội tuyển Việt Nam cho rằng để phát triển, cầu thủ cần tối thiểu 40 trận mỗi năm.
U.19 Việt Nam, hay trước đó là U.16 Việt Nam, chỉ có thể chờ các giải châu lục để cọ xát cho "biết đá biết vàng". Khi ấy, thành tích có tốt hay không còn tùy thuộc vào may rủi ở từng lứa, khó mà ổn định được.
Bình luận (0)