(TNO) Để đảm bảo an toàn cho hàng nghìn hành khách trên những chuyến tàu, những người thợ trong đội khám xét - sửa tàu tại ga Sài Gòn, TP.HCM phải thường xuyên kiểm tra từng bu lông, ốc vít.
Lê dưới những toa tàu để sửa chữa
|
Với đặc thù công việc nên trong những ngày được nghỉ Tết dương lịch, những người công nhân này vẫn luôn túc trực. Đặc biệt, đây là những ngày tàu chạy nhiều hơn nên họ phải làm việc vất vả hơn.
Nghề nguy hiểm
Khi những hành khách lục đục rời tàu an toàn thì những người thợ áo xanh trong đội khám xét - sửa tàu tại ga Sài Gòn lại vội vã làm việc.
Với nguyên tắc: mắt nhìn, tai nghe, mũi ngửi, tay sờ nên họ phải trực tiếp bò lê xuống đường ray, chạm trực tiếp vào các bộ phận của toa.
Hầu hết các chuyến tàu đường dài, khi đến ga Sài Gòn ít nhất cũng 2 ngày đường. Khi khám, sức nóng hừng hực của động cơ sau hơn mấy ngày hoạt động rất dễ làm người thợ bị phỏng. Nguy hiểm hơn là bị toa tàu dồn, nếu không nhanh nhảy ra kịp thì rất dễ bị nghiền. Hay trong quá trình khám tàu, nếu không để ý giờ tàu chạy thì rất nguy hiểm đến tính mạng.
“Mỗi ca trực kéo dài 24 tiếng, vất vả nhất là tàu về lúc 1 - 4 giờ sáng, phải giữ tỉnh táo nếu không khám sai hoặc khám không cẩn thận thì hậu quả khôn lường” chú Phạm Văn Huệ - một người thâm niên trong nghề - chia sẻ.
Chú Huệ kể thêm, vào mùa gần Tết, tàu chạy về liên tục, nào tàu hàng, tàu khách chạy sáng đêm. Mấy anh em ai cũng thủ sẵn trong túi một gói mì và một hộp xôi. Tranh thủ vài phút nghỉ tay, họ lấy ra nhai cho qua cơn đói. Có người còn nằm tại chỗ sát đường ray để nghỉ lấy sức.
Chật vật, tha hương
Gắn bó 28 năm trong nghề nhưng thu nhập hằng tháng của chú Phạm Văn Huệ cũng chỉ tầm 5 triệu đồng. Đã ngoài tuổi tứ tuần nhưng gia đình chú vẫn phải sống trong căn nhà thuê ọp ẹp, hai vợ chồng dè sẻn mọi chi tiêu để có tiền lo cho 2 đứa con đang tuổi ăn học.
Chú Huệ tâm sự tiền sinh hoạt hằng ngày phải ký sổ nợ, đợi cuối tháng trả. Nhiều lúc phải ứng lương trước hoặc mượn tạm của anh em để đóng học phí cho con. Có khi người quen nhờ mua giùm vé tàu về quê, ngại lắm nhưng đành từ chối vì không có tiền.
Tiền thiếu chứ thuốc không bao giờ hết, mỗi bữa ăn chú đều ôm bụng vì cơn đau dạ dày. Mỗi khi trở trời, chứng đau lưng lại hành hạ. Tuổi đã lớn nhưng phải làm việc liên tục 24 tiếng, nhiều lúc mệt quá chú chỉ ăn gói mì cho qua bữa rồi lăn ra nằm dưới tấm chiếu lạnh trải dưới đất.
Hầu hết anh em trong đội đều ở xa quê, mỗi năm chỉ được nghỉ 14 ngày phép nhưng chỉ được nghỉ ngày thường. “Ngày người ta nghỉ thì mình đi làm, ngày người ta đi làm thì mình nghỉ. Nghề này là vậy”, một nhân viên trong đội chia sẻ
Anh Phạm Văn Trường (nhân viên trong đội khám xét - sửa tàu, quê ở Ninh Bình), vừa mới lập gia đình và có em bé được 9 tháng tuổi. Vì hoàn cảnh công việc, vợ chồng anh mỗi người một nơi. Những lúc vợ con ốm đau, anh chỉ biết điện thoại về động viên chứ không thể về chăm sóc.
Anh Trường ngậm ngùi tâm sự: “Sắp tới tết rồi, nhớ nhà, nhớ vợ con lắm. Mỗi khi thấy người ta sửa soạn, tấp nập lên tàu về quê thì lòng mình chạnh lại”.
Không riêng gì anh Trường, hầu hết các anh em khác đều mang chung một nỗi nhớ. Ai cũng cố gắng nén vào lòng để tránh làm ảnh hưởng tới công việc.
Vào những ngày cuối năm, một bữa cơm nhỏ được tổ chức thịnh soạn, căn phòng nhỏ phía cuối ga lại rộn lên tiếng cười, đấy là lúc anh em trong đội khám xét - sửa tàu có dịp trút bầu tâm sự và cùng nhau đón năm mới nơi đất khách quê người.
Khổ cực là thế nhưng cái tình anh em xa quê ngập tràn trong họ. Họ san sẻ cho nhau ly cà phê đen chống cơn buồn ngủ, san sẻ cho nhau nụ cười giữa trời sương gió, trêu ghẹo nhau để cùng nhau vượt qua nỗi cô đơn. Tiếng hát những người thợ tàu như chạy theo những vòng quay lăn bánh: “Anh nghèo, tay trắng bao năm, yêu không dám ngỏ…”.
|
Các chi tiết dù nhỏ nhất cũng được khám xét cẩn thận
|
Sau khi khám xong, tất cả các “bệnh” sẽ được ghi chép để tiện cho việc sửa chữa
|
Chiếc bàn gỗ đơn sơ vừa là nơi để các dụng cụ sửa tàu, nơi bàn uống nước và cũng là bàn ăn cơm của những người thợ sửa tàu
|
|
Bất kể trời mưa hay nắng, ngày hay đêm khi có tàu về thì anh em trong đội phải ra khám
|
|
Từng động tác sửa dưới toa tàu phải thật khéo léo nếu không chuyện dập tay, chân rất dễ xảy ra
|
Tranh thủ nghỉ ngơi trên ghế đá sau khi hoàn thành ca trực kéo dài liên tục 24 tiếng
|
Khổ nhất là khi xuống hầm để khám, không khí vô cùng ngột ngạt cộng thêm mùi chất thải nồng nặc từ trên toa xả xuống
|
Lặng lẽ thức trắng đêm để đảm bảo an toàn cho những chuyến tàu khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ
|
Nỗi nhớ nhà, nhớ người thân của những người thợ sửa tàu dâng lên khi thấy hành khách sửa soạn về quê đoàn tụ cùng gia đình
|
Bình luận (0)