“Tôi không thể lập bàn thờ cho con trai lúc này nếu phía bên đại diện Công ty thủy sản Nam Hà Tĩnh chưa có thông báo chính thức rằng con trai tôi đã chết!”, chị Đặng Thị Lân (48 tuổi, xóm Phú Thượng, xã Kỳ Khang, H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh), mẹ nạn nhân Nguyễn Tương (24 tuổi) nói.
Đậu CĐ Xây dựng Hà Nội, nhưng Tương không đi học, chỉ vì nhà nghèo. Bố mẹ thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng 20 triệu cho con xuất khẩu lao động, làm chân đánh cá kiếm tiền tại biển Hàn Quốc gửi về chăm lo gia đình. Nước mắt đã chảy cạn, người mẹ nghèo, khuôn mặt cơ cực nhìn vô vọng lên trời nói: “Có khi nào, con tôi đang sống!?”.
Người mẹ gầy gò của nạn nhân Nguyễn Văn Sơn (26 tuổi) ở thôn Xuân Hải, xã Kỳ Ninh nằm la lết giữa sân nhà, khóc thảm thiết. “Nó còn vợ trẻ, con thơ, giờ biết trông cậy vào ai?”, bà Nguyễn Thị Hương (mẹ Sơn) nói chưa ngớt lời, đã bất tỉnh.
Thôn nghèo ven biển, sáng nay (15.12) như cùng chịu nỗi đau tang thương với gia đình nạn nhân Nguyễn Văn Sơn. “Làng biển quê tôi mỗi năm lại phải nghe tin dữ từ phương xa, người thân bị tử nạn!”, anh Nguyễn Tiến, người hàng xóm nói.
Vợ Sơn, chị Nguyễn Thị Dung đã nằm liệt giường từ tối qua. Khi tỉnh giấc, chị chạy ào tới bàn thờ chồng đã lập sẵn hất tung hết. “Sao bố mẹ lại lập bàn thờ khi anh Sơn đang còn sống!?”, nói đến đây, chị Dung lại ngất đi.
“Sao giờ đầu bạc lại tiễn đưa đầu xanh?”, bố Sơn, ông Nguyễn Văn Hiến nói trong đau đớn.
“Con gái mới ra đời, sao anh lại bỏ mẹ con em mà đi? Giờ em biết trông cậy vào ai?”, chị Nguyễn Thị Dung khóc thảm thiết, “Thế là con em không còn bố!”.
Cũng vì kế sinh nhai, bao trai làng ven biển lặn lội ra nước ngoài để lao động, mong một ngày quê nhà “thay da đổi thịt”. Nhưng...
Còn nhớ gia đình ông Lê Văn Dung (70 tuổi, thôn Trung Tiến, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh) vì đi nghề biển mà 4 người thân cả con lẫn cháu bị tử nạn tại nước bạn.
|
|
|
|
|
|
Trương Hoa
(thực hiện)
Bình luận (0)