Làng dệt lụa hơn 400 năm

01/03/2013 03:05 GMT+7

“Mã Châu tơ lụa mỹ miều Sớm mai cửi mắc ban chiều tơ giăng”

“Mã Châu tơ lụa mỹ miều
Sớm mai cửi mắc ban chiều tơ giăng”

Là một làng nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa nổi tiếng từ thế kỷ 16 trên đất Quảng Nam, làng nghề Mã Châu (nay thuộc thôn Châu Hiệp, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Duyên) với chưa đầy 200 gia đình, hằng năm đã cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu hơn 10 triệu mét vải và gần 200.000 mét tơ lụa các loại. Đây cũng là một trong 18 làng nghề được tỉnh Quảng Nam đầu tư khôi phục từ năm 2007 và xây dựng thành điểm du lịch làng nghề trong lễ hội “Hành trình di sản” hằng năm.

Đến thăm làng dệt lụa những ngày đầu năm, cư dân địa phương cho biết trước đây Mã Châu có tên là Tứ Mã với bốn làng Mã Thành, Mã Thượng, Mã Đông và Mã Tây và bến đò Tơ nổi tiếng trên sông Thu Bồn, cung cấp các loại tơ lụa cho thương nhân nước ngoài ở cảng Trà Nhiêu (Hội An), khi đô thị cổ còn là thương cảng phồn thịnh của xứ Đàng Trong.

Làng dệt lụa hơn 400 năm
Dệt lụa ở Mã Châu - Ảnh: Trương Điện Thắng

Vào những năm 1960, Mã Châu vẫn là một làng nghề nổi tiếng với khoảng 4.000 khung cửi, ngày đêm rầm rập tiếng thoi đưa. Đến thập niên 1990, do thị trường tơ lụa không có đầu ra, nhiều gia đình thợ dệt phải mang khung dệt vào TP.HCM làm gia công hoặc chuyển nghề khác. Từ khoảng 15 năm trở lại đây, theo một chủ hộ có uy tín trong làng nghề, Mã Châu đã hồi sinh và những ai bỏ làng ra đi cũng đã trở về với nghề cũ với phương châm “ly nông nhưng không ly hương”. Cả làng nay đã có hơn 2.000 khung dệt bán cơ khí chạy điện chuyên dệt vải, trong đó hàng chục gia đình có 5 - 7 đời làm nghề dệt và tiếp tục ươm tơ dệt lụa cung cấp cho xuất khẩu và các hiệu may phục vụ khách du lịch tại Hội An, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội, TP.HCM...

Bên cạnh các máy dệt tư nhân, Mã Châu còn có một hợp tác xã tơ lụa, khép kín từ trồng dâu nuôi tằm đến dệt, năm 2012 sản xuất trên 40.000 mét lụa cung cấp cho thị trường, với nhiều đơn đặt hàng ở Ấn Độ, Lào... Năm nay, hợp tác xã bắt đầu khai thác tour du lịch làng nghề. Ông Phương, một lãnh đạo hợp tác xã tơ lụa Mã Châu cho biết: Nhờ làng nghề ở ngay trên tuyến du lịch nối liền hai di sản văn hóa thế giới là Mỹ Sơn và đô thị cổ Hội An nên Mã Châu đã trở thành điểm dừng chân của hầu hết các du khách khi rời Hội An đi Mỹ Sơn và ngược lại. Tại làng dệt Mã Châu, du khách có thể mua vải lụa Duy Xuyên xứ Quảng và đặt may các kiểu quần áo không kém gì Hội An…

Trương Điện Thắng

>> Nước lũ nhấn chìm đô thị cổ Hội An
>> Dẹp nạn “cò” du lịch ở đô thị cổ Hội An
>> Đô thị cổ Hội An - một trong 110 điểm đến có giá trị lịch sử trên thế giới năm 2008
>> Chùa Cầu tại đô thị cổ Hội An bị phá hoại
>> Đô thị cổ Hội An: Nước sông Cổ Cò đang... đổi màu! 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.