Làng hóa phố

07/04/2013 03:30 GMT+7

Làng tôi ven phố, nói là “quê” nhưng chỉ đạp xe đạp vài chục phút đã đến nội thành. Thế nên từ lâu, dân làng tuy sống nghề chính làm ruộng nhưng nhanh nhẹn, mau mắn không kém dân phố chính hiệu. Đất đai màu mỡ, mấy chục năm liền không bị hạn hán hay ngập lụt bởi lẽ quê tôi có sông chảy qua, lại lắm ao hồ tích nước và nhất là có hệ thống thủy lợi xây dựng hoàn chỉnh.

Dân làng hay lam hay làm, từ tờ mờ sáng đã thức dậy cơm nước ra đồng, mặt trời ngả bóng mới dong trâu về. Từ khi còn nhỏ tôi đã thấy làng nhiều nhà ngói, chỉ có cái bếp, chuồng lợn là mái rạ, dày cả gang tay. Làng thật đầm ấm, ngăn cách vườn nhà này với nhà khác thường chỉ là giậu ô rô hay khúc tần phủ kín tơ hồng. Đã là nông dân thì ai chả yêu đất quý đất nhưng hiếm khi xảy ra chuyện xích mích do lấn chiếm đất đai của nhau. Gà nhà này sang vườn nhà khác, có làm hư hại luống rau cũng chỉ nhỏ nhẹ nhắc nhở. Hàng xóm láng giềng tắt lửa tối đèn có nhau. Nào ai biết được đêm khuya trái gió trở trời ra sao, lúc có chuyện chẳng ới hàng xóm liền kề thì gọi ai! Nếp sống đó cứ tự nhiên từ đời này sang đời khác, thế hệ trước truyền cho thế hệ sau, nói như các cụ là “nếp nhà” thì  bảo nhau ráng mà gìn giữ.

Thời gian trôi qua. Nội đô ngày một chật chội. Thế là mở thêm khu đô thị mới. Công nghiệp cũng cần đất xây dựng nhà xưởng. Giá đất tăng dần lên. Với người biết làm ăn, nhạy bén trồng trọt, chăn nuôi theo nhu cầu mới thì mảnh đất ấy sẽ sinh sôi nảy nở ra tiền bạc, vật chất cho mình và đời con đời cháu. Nhưng những ai ăn xổi ở thì họ chỉ muốn bán đất cho nhanh để có tiền tươi. Nhiều người quanh năm gắn với nghề nông hoặc buôn bán vặt quanh làng, bỗng dưng trong tay có vài trăm triệu, thậm chí tiền tỉ do bán đất hương hỏa các cụ tích góp mấy đời mới có. Thế là hoa mắt. Đua nhau bán đất, xây nhà tầng, mua sắm đồ xịn, ăn chơi...

Làng tôi bỗng dưng lên phố. Nhà cao tầng của người làng, của người nơi khác đến mua đất, thay nhau mọc lên. Khốn nỗi, hình thức thay rất nhanh chứ nếp sống, nếp nghĩ đâu có phép màu nào biến đổi được một sớm một chiều. Bao đời quen làm ruộng, nay ruộng vườn không còn nhưng nghề thì chưa có. Muốn có nghề lại phải đi học, mà lúc nghèo thì chăm học, có chí vươn lên, nay rủng rỉnh tiền đâm lười biếng. Hồi trước lũ trẻ bỏ học, người lớn vin cớ không có tiền, nay thì “học lắm mà làm gì”. Từ một làng quê yên bình giờ đủ thứ ồn ào, bia bọt, thụt bi da, đề đóm, cờ bạc, karaoke. Cái gì chứ đã lao vào cờ bạc, ăn chơi thì dễ say lắm. Rồi tranh giành đất đai, sứt mẻ tình hàng xóm láng giềng, tình anh em ruột thịt. Rồi cả tệ nạn ma túy. Đầu tiên cả xã chỉ vài con nghiện, nay xóm ngõ nào cũng có, nhưng “chuyện nhà người ta” nên chẳng ai muốn dây vào.

Làng lên phố, cuộc sống đổi thay chóng mặt. Nhìn bề ngoài thì giàu có khá giả nhưng những giá trị truyền thống cứ mất dần đi. Sự yên bình bị thay bằng bao điều xáo trộn đầy bất an. Vui ít buồn nhiều trong sự đổi thay này.  

Quỳnh Liên

>> Cuộc trở về của "Làng tôi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.