Làng lư đồng giữa Sài Gòn

13/02/2007 15:46 GMT+7

Ít ai ngờ rằng giữa Sài Gòn phồn hoa vẫn tồn tại một làng nghề chuyên đúc lư đồng. Mỗi dịp xuân về, thương buôn từ miệt châu thổ sông Cửu Long lại lên đây đóng hàng. Hàng trăm bộ lư đồng từ đây về với bàn thờ gia tiên nhiều gia đình, để trong đêm giao thừa nghi ngút khói nhang, người người nghiêng mình tỏ tấm lòng thành trước tiên linh.

Hồi nhỏ, cứ mỗi dịp cận Tết, cha tôi lại sai tôi đem bộ lư đồng (ngoài Trung gọi là bộ tam sự) ra đánh bóng. Mỗi lúc như vậy, tôi phải bỏ ra ít nhất hai ngày để kỳ cọ cho đến lúc bộ lư đồng sáng bóng mới thôi. Cha tôi  thường bảo: "Tinh túy của trầm, mùi hương của nhang thắp lên mỗi dịp giao thừa chính là để dâng lên ông bà những gì thành tâm nhất của con cháu. Vì vậy, bộ lư đồng phải được chăm sóc kỹ mỗi dịp xuân về, Tết đến". Qua bao năm chiến tranh tao loạn, bộ lư đồng vẫn được cha tôi gìn giữ cẩn thận. Nhiều gia đình cũng xem bộ lư đồng là cái hồn cần giữ của mỗi nếp nhà, là thứ mà qua đó, tổ tiên ông bà sẽ về đoàn tụ với cháu con trong ba ngày Tết. Không phải ngẫu nhiên mà nó đã hiện diện rất trang trọng và được xem như là báu vật trong thiên truyện Chiếc lư đồng mắt cua nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Tuân.

Lư đồng sau khi đúc chuẩn bị làm nguội (Ảnh: T.T.B)

Trong một dịp tình cờ, tôi đã có cơ hội gặp những nghệ nhân sản xuất ra những bộ lư đồng tại phường 12, quận Gò Vấp. Giữa Sài Gòn náo nhiệt, họ vẫn ngày đêm âm thầm chăm chút, tạo dáng và kỳ công nung, đúc lên những bộ lư đồng tinh xảo. Được các nghệ nhân ở đây thực hiện thủ công với vốn liếng là truyền thống gần 100 năm trong nghề, những bộ lư nơi đây khác biệt với những bộ lư được sản xuất hàng loạt bằng máy móc. Ông Trần Văn Nghiệm - một chủ lò đúc đồng có gần 40 năm trong nghề - cho biết: "Thợ làm lư đồng thủ công không nhiều và không phải ai cũng làm được. Những vui buồn trong đời sống thường nhật đều được họ truyền bằng linh hồn của mình qua mỗi sản phẩm. Vì vậy, không có bộ lư nào giống bộ lư nào. Đó chính là giá trị ở mỗi bộ lư". Anh Trần Quốc Thái - thợ làm nghề ở lò của ông Hai Thắng thì cho rằng, công đoạn trau chuốt cho sản phẩm (trong nghề gọi là làm nguội, gồm tạo dáng, mài giũa và đánh bóng) có thể làm cho mỗi bộ lư có mỗi sắc thái khác nhau. Sự chăm chút của người thợ khiến cho mỗi bộ lư đồng có bóng dáng của sự bay bổng, lãng mạn hay trầm tư. Nhưng dù với sắc thái nào đi nữa thì cũng lưu giữ dấu ấn của làng nghề nơi đây, mà người dân quanh vùng thường gọi với cái tên thân thuộc là xóm Lò Lư Gò Vấp.

Người cất công đi học nghề đúc lư đồng để về truyền lại cho gia tộc trong xóm Lò Lư là ông Trần Văn Kỉnh. Thuở xưa, Gò Vấp có nghề trồng hoa nổi tiếng nhưng dòng họ Trần thì lại không có người theo nghề này. Vậy là để kiếm kế sinh nhai, ông Kỉnh ra mấy lò đúc đồng ở Chợ Quán học nghề. Đó là vào những năm đầu của thế kỷ 20, tính đến nay cũng đã gần trăm năm. Ban đầu, ông Kỉnh chỉ nhận người và truyền nghề cho con cháu trong dòng họ. Nhưng sau đó, một trong những học trò xuất sắc của ông là Hai Thắng (Trần Văn Thắng) muốn phát triển hơn nữa nghề này nên truyền dạy cho con em trong vùng. Ông Hai Thắng - năm nay đã 60 tuổi - nhớ lại: "Tôi theo học nghề bác Kỉnh từ năm 14 tuổi và suốt từ đó đến nay, tôi vẫn theo đuổi nghề đúc lư đồng. Dẫu qua bao năm chiến tranh rồi lại đến thời điểm khan hiếm nguyên liệu vào những năm cuối thập kỷ 80, tôi vẫn giữ nghề và lưu truyền cho đến ngày nay". Trong 6 anh em trai theo nghề đúc lư đồng của ông Hai Thắng, đã có một nửa giải nghệ theo nghề khác vì nghề làm lư đồng rất vất vả, chỉ "lấy công làm lời". "Nhưng gia đình tôi vẫn còn 3 anh em theo nghề và vẫn sống được với nghề mà cha ông truyền lại. Đó là điều làm tôi rất vui" - ông Hai Thắng không giấu vẻ tự hào.

Thợ xóm Lò Lư đang hoàn thiện sản phẩm lư đồng (Ảnh: T.T.B)

Nghề làm lư đồng vốn rất vất vả bởi phải trải qua nhiều công đoạn. Bắt đầu là làm khuôn ruột bằng đất sét (đặt mua từ Tân Vạn, Thuận An, Bình Dương) và tro trấu giã nhuyễn. Sau đó, các nghệ nhân phải đúc khuôn sáp (bằng vật liệu sáp ong trộn với sáp đèn cầy). Công đoạn đúc khuôn sáp đòi hỏi thợ phải có tay nghề rất cao vì mỗi bộ lư đồng sau khi nung sẽ có hình dạng đúng y như khuôn sáp đã được tạo dáng. Công đoạn thứ ba là phải bao bọc 2 lớp đất sét giã nhuyễn bên ngoài, loại đất này phải được rây mịn để sản phẩm sau khi đúc không bị rỗ mặt. Tiếp theo là đổ đồng đã nóng chảy vào khuôn, công đoạn này đòi hỏi người thợ canh chừng rất kỹ và phối hợp nhịp nhàng giữa người thợ móc khuôn từ hầm nung và người thợ múc đồng từ chảo đổ vào khuôn. Cuối cùng là đập bỏ khuôn đất để chuyển sang khâu làm nguội (mài giũa, chạm trổ hoa văn, đánh bóng). Tính ra, quy trình từ khi đúc khuôn đất đến lúc có thể làm nguội sản phẩm phải mất ít nhất 2 ngày cho một mẻ sản phẩm. Hiện nay, mỗi bộ lư đồng tùy theo kích cỡ, được các lò đúc ở xóm Lò Lư bán từ 500 ngàn đồng đến 2 triệu đồng/bộ.

Theo anh Trần Văn Nghiệm, nghề làm lư đồng ngày xưa thu hút rất nhiều người ở xóm Lò Lư tham gia. Còn bây giờ? Anh Nghiệm trầm giọng: "Tôi chỉ lo nghề này bị mai một vì lớp trẻ bây giờ không làm nghề với niềm đam mê như chúng tôi ngày trước". Còn với ông Hai Thắng: "Giá trị của mỗi bộ lư đồng là ở sự trau chuốt của người thợ làm ra nó. Khi đến với mỗi gia đình, bộ lư trở thành một món đồ rất đáng giá về mặt tinh thần, được ngự trị nơi trang trọng nhất trong mỗi nhà".

Anh Trần Văn Nghiệm bên mẻ lư đã được đúc khuôn sáp, chuẩn bị đổ đồng (Ảnh: T.T.B)

Riêng với tôi, hình ảnh của bộ lư đồng thuở nhỏ đã trở thành một kỷ niệm thiêng liêng, khi mỗi giao thừa, với áo dài khăn đóng truyền thống, cha tôi lại kính cẩn bái tạ tổ tiên trong mùi trầm hương thoang thoảng. Hình ảnh ấy, ai mà chẳng hơn một lần chứng kiến và lưu giữ mãi trong lòng!

Trần Thanh Bình - Hoàng An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.