Làng “môi đỏ”

19/12/2009 18:28 GMT+7

Đó là một ngôi làng thuộc vùng bán sơn địa của xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Làng Tân Hiệp - làng ăn trầu nổi tiếng khắp vùng, mang nét văn hóa đặc sắc của dải đất miền Trung cằn khô này...

Theo con đường bê tông nối đất đỏ ngoằn ngoèo, uốn lượn quanh những rừng tràm đang trổ lá, qua những cây cầu nhỏ tràn lên con suối róc rách, chúng tôi đến được với làng mới Tân Hiệp. Gọi là làng mới, bởi cách đây gần 4 năm đại họa sụp lún đất đã giáng xuống dân làng. Hơn 200 hộ dân “gồng gánh” nhau lên đây, cóp nhặt làm lại từ đầu tìm cuộc sống mới nhưng vẫn không quên mang theo miếng trầu, cây cau, cối giã… như ngày còn ở chốn cũ.

Mới sinh ra là đã biết ăn trầu!

Làng mới Tân Hiệp khá khang trang, những ngôi nhà na ná nhau được dựng lên dọc theo hai con đường chạy song song giữa làng cứ như những luống rau thẳng tít tắp. Chúng tôi dừng lại bên quán nước đầu làng bắt đầu hỏi chuyện. Năm ba người, môi đỏ choét cười khà khà khi biết ý định của chúng tôi. Bà chủ quán đánh phẹt nước bã trầu xuống đất, chùi miệng nói: “Chi chớ ăn trầu thì chú tìm đúng địa chỉ rồi đó, ở làng này đến mấy đứa con nít mới đẻ ra đã thích cái mùi cay cay nồng nồng của trầu rồi…”. Có người còn phụ họa thêm: “Buổi sáng chú vào đây mà gặp mấy đứa nhỏ má hồng hồng thì đừng nghĩ nó say rượu mà tội, chúng nó ăn trầu đấy”.

Để xác thực mấy dòng giới thiệu tuy sơ bộ mà hùng hồn ấy, chúng tôi đi sâu hơn vào trong làng. Trên con đường đổ bê tông khá đàng hoàng, nếu chú ý có thể thấy rất nhiều bã trầu mới có, đã khô có nằm lăn lóc, hiên ngang như để khẳng định thêm về lời nói của những người ở quán nước.


Ông ngoại (cụ Nguyễn Văn Hon, 86 tuổi) và cháu ngoại (Trần Văn Tuyến, 14 tuổi) đều phơn phớt đỏ trên môi như nhau

Mời chúng tôi vào uống nước chè, ông Trần Văn Vượng, Trưởng thôn cười xòa: “Các chú thông cảm, tôi mới lỡ nhai miếng mới…”. Vừa bỏm bẻm ông vừa nhẩm tính: “Cả làng Tân Hiệp có 213 hộ với 978 nhân khẩu nhưng ít nhất cũng có khoảng 70% là dân ăn trầu, nghiện trầu… Như để khỏa lấp ngay sự ngạc nhiên của chúng tôi, ông khẳng định thêm: “Tui không nói ngoa mô, không tin chú ra hỏi tất cả bà con thì biết… Còn vào ngày lễ tết chú lên đây mà coi, đỏ môi cả làng!”. Theo sự giải thích có vẻ rất khoa học của ông thì gốc của người làng Tân Hiệp là cư dân vạn chài, ngày xưa cư ngụ trên các con thuyền gần chỗ cầu Đuồi ở sông Cam Lộ hiện nay, chính vì thế người dân bắt đầu ăn trầu để chống lại cái giá rét, cái lạnh lẽo nơi sông nước. Từ năm 1965 đến 1968, người dân được lên định cư tại làng Tân Hiệp (cũ) mà vẫn giữ thói quen này nên hiện nay ăn trầu giống như ăn cơm với người làng Tân Hiệp chẳng có gì là lạ.

Ngặt nỗi, nếu ở làng cũ thì có rất nhiều vườn cau, vườn trầu được người dân chăm bón xanh tốt; giờ người ta đành chặt bỏ khi lên với làng mới. Những người nghiện trầu ở làng Tân Hiệp phút chốc bỗng rơi vào cảnh “nước sông gạo chợ”, trong khi cau mới trồng được 3 năm chưa thể hái nên đều đặn vài ngày/lần họ phải đi mua cau, trầu ở chợ phiên Cam Lộ. Thậm chí vào mùa cau, người dân Tân Hiệp thường mua cả buồng (giá chỉ khoảng 20.000 đồng/buồng) phơi, sấy cho khô cất kỹ vào bao để ăn dần. Nhưng một phần vì thế, cùng với truyền thống ăn trầu từ lâu đời, thế hệ trước truyền thế hệ sau nên người làng Tân Hiệp cũng có nhiều bí quyết chọn trầu, cau. Có loại cau nhai là say, có loại cau nhai đắng, có loại nhai béo… nhưng hợp khẩu vị của dân làng nhất vẫn là những quả cau tròn như quả trứng. “Đến loại mới thâm niên chưa nhiều như tui đây mà còn nhìn qua cái là biết quả nào ngon dở, huống gì các lão làng ở đây…” - ông Vượng nói thêm.

Ba thế hệ trong một gia đình cùng... bỏm bẻm!

Theo sự giới thiệu của ông trưởng thôn, chúng tôi tìm đến những hộ gia đình “điển hình” có văn hóa ăn trầu của làng Tân Hiệp. Ông không quên giới thiệu trước là những hộ này có những thành viên vừa có thâm niên ăn trầu lâu nhất vừa có nhiều thế hệ trong nhà cùng nghiện trầu…

Chúng tôi chọn ngôi nhà của cụ bà Mai Thị Xuân (96 tuổi) để vào “tham quan” trước. Từ ngõ đã thấy bà ngồi trước hiên vừa chơi với cháu vừa nhai trầu, dù răng đã rụng gần hết. Hiện nay, cụ bà có 5 người con ruột, 5 đứa cháu, 7 đứa chắt và 1 đứa chiu. Dù tai đã lãng, mắt đã mờ, cơm nước thì chẳng ăn được bao nhiêu nhưng ngày nào cụ cũng ăn cả chục miếng trầu. Bà Đào Thị Võ (66 tuổi - con dâu của cụ) cho biết: “Mạ tôi ăn trầu từ ngày còn thiếu nữ, thế là đã gần 80 năm. Giờ thì răng cụ rụng gần hết, nhai khó khăn nhưng cụ cứ đòi ăn bằng được. Riêng tui từ ngày về làm dâu nhà này, cũng học theo cụ cho môi thắm má hồng…”. Nói đoạn, bà Võ bưng khay trầu mời chúng tôi một miếng để làm “đầu câu chuyện”, tôi nhận nhưng “thận trọng” cất trong túi áo vì nhớ những lời khuyến cáo về cái sự say của trầu. Thấy vậy, bà Võ còn đọc nguyên đoạn thơ trêu sự nhát gan của chúng tôi: “Bánh thật nhiều sao chê bánh ít, Trầu thật đầy sao gọi trầu không?”. Bà cụ Xuân còn có một người em trai khác tên là Mai Xuân Cẩn (85 tuổi) cũng là một cụ ông nổi tiếng khắp làng vì tài ăn trầu; những ngày vui miệng cụ ăn ngót cả ba bốn chục miếng... là thường.

Làng Tân Hiệp cũng không hề hiếm những hộ gia đình có cả mấy thế hệ cùng nghiện trầu, có câu chuyện vui chẳng biết thật giả rằng với mấy nhà này cha, con, cháu có khi cãi nhau to cũng chỉ vì miếng trầu.

Nhà ông cụ Nguyễn Văn Hon (86 tuổi) ở cuối làng mới Tân Hiệp, vừa vào chúng tôi đã đoán được phần nào số người ăn trầu trong nhà vì thấy khá nhiều bã trầu còn nằm giữa sân. Ông cụ Hon cũng vào loại cao niên của làng, hiện cụ có 8 đứa con và 20 đứa cháu. Người trong làng kháo nhau rằng, cụ thích ăn trầu đến mức mỗi khi có kỵ giỗ gì, sau phần lễ, trong mấy túi áo của cụ đã đầy ắp trầu cau. Cụ ăn trầu từ năm 7 tuổi vì học theo cha và đến nay khi ăn trầu cụ phải bỏ thêm ít thuốc lá vào ăn chung mới đủ “đô”. Các con của cụ được cái đều học theo cụ cả, ai cũng ăn trầu, ai cũng có cái khóe miệng phơn phớt đỏ không lẫn vào đâu được. Đang nói chuyện về thâm niên trầu cau với cụ thì đứa cháu Trần Văn Tuyến (14 tuổi, đang học lớp 9) của cụ từ ngoài chạy bổ vào. Thấy miệng thằng bé cũng “phơn phớt đỏ” như ông như bố nó, chúng tôi hết sức ngạc nhiên. Cụ cười sần sật: “Thằng ni ăn thua chi, thằng ni ri là to rồi, cháu gái 9 tuổi của tui trong mới ghê tề. Chừng nớ chờ khi buồn buồn là chạy tìm tui xin miếng trầu nho nhỏ để ăn đó…”. Ấy thế nên ngoài dăm miếng trầu trên khay, tôi liếc thấy trong tủ kính nhà cụ có đến mấy bao trầu khô để sẵn.

Rời khỏi làng “tô son bằng trầu cau” Tân Hiệp, tôi lấy miếng trầu lúc nãy bỏ trong túi ra liều lĩnh… ăn thử. Nhai được mấy lần thì phải nhổ đi ngay vì cái vị cay nồng… Thế mới biết, cả một làng giữa miền Trung cháy bỏng mê cái thứ vừa cay vừa nồng này cũng là chuyện đáng lưu tâm.

Theo kết quả phân tích thành phần hoạt chất trong lá trầu: có 85,4% nước, 3,1% protid, 0,8% chất béo và 6,1% đường. Ngoài ra lá trầu còn chứa nhiều canxi, carotene, các vitamin gồm vitamin C, thiamin, riboflavin và niacin. Trong lá trầu còn chứa nhiều tannin, ester và tinh dầu. Tinh dầu có tác dụng sát trùng mạnh đối với các loại vi trùng như tụ cầu khuẩn, liên cầu khuẩn, vi khuẩn subtilis và trực trùng coli nên được dùng làm thuốc chữa lỵ và sốt rét. Trong quả cau lại có nhiều tanin, alcahoit, arecolin. Hạt cau làm tê liệt thần kinh giun, sán, giun sán không bám vào thành ruột được mà bị đẩy ra ngoài. Dùng hạt cau trị giun sán phối hợp với thuốc khác, arecolin còn có tính làm chậm nhịp đập của tim. Tuy trầu cau có các công dụng tốt nhưng không nên lạm dụng, nhai vô độ vì đôi khi sẽ gây nên những tác dụng phụ như khó tiêu, viêm lợi chảy mủ...

Nguyễn Phúc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.