Làng nghề bánh chưng Tranh Khúc tất bật đón tết

01/02/2019 08:53 GMT+7

Những ngày này, không khí ở làng Tranh Khúc (Thanh Trì, Hà Nội) trở nên tất bật và nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Các ngả đường trong làng nơi đâu cũng dậy mùi thơm của gạo nếp, đậu xanh.

Cứ cách 2 - 3 nhà lại có một lò bánh, ai nấy đều tất bật, hối hả nhưng tuyệt nhiên không có một tiếng cười đùa. Mỗi người phụ trách một công đoạn từ rửa lá, vo gạo, đãi đỗ, ướp thịt làm nhân… tất cả đều tập trung vào công việc của mình. Gói bánh chưng không khó, nhưng từ công đoạn phải thật kĩ tỉ mỉ, kĩ lưỡng.
Lò bánh của gia đình ông Nguyễn Văn Bảy tại làng Tranh Khúc (xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã đỏ lửa từ những ngày đầu tháng mười hai âm lịch. Ông Bảy gắn bó hơn 40 năm với nghề làm bánh chưng để nối tiếp truyền thống của gia đình. Ở cái tuổi 70 nhưng nhanh thoăn thoắt, đôi bàn tay ông đã gói ra một chiếc bánh chưng vuông vức.
“Bánh chưng muốn ngon thì lúc làm đậu làm gạo phải thật tỉ mỉ, đậu phải đãi sạch vỏ, đồ chín rồi giã thật nhuyễn cho thấm muối thì lúc ăn mới thơm dậy mùi”, ông Bảy chia sẻ.
Lá dong được đặt mua từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh với số lượng lớn Ảnh Khánh Linh
Lá dong gói bánh thường được đặt mua từ vựa lá nổi tiếng Tràng Cát (H.Thanh Oai, Hà Nội). Nếu lá chưa đẹp, chưa đủ thì phải đặt mua tận Nghệ An, Hà Tĩnh từ nhiều tháng trước. Lá dong để gói bánh phải là loại lá tẻ, bản to, màu xanh mướt, không bị sâu, rách. Gạo nếp gói bánh cũng phải là loại nếp nhung hoặc nếp cái hoa vàng, những loại nếp ngon có tiếng của H.Hải Hậu (Nam Định).
Lá dong đẹp, gạo ngon, tay người gói khéo thì bánh chưng ra lò mới xanh đẹp và dẻo bánh.
Chị Lan Hương (cháu gái ông Bảy) chia sẻ: “Thịt gói bánh là thịt sấn nửa nạc nửa mỡ. Nhân bánh muốn ngon thì thịt phải ướp kĩ với hạt tiêu để dậy mùi, lại thêm gia vị đầy đủ. Tết đến, bữa cơm nhà nào nhà nấy cũng đều nhiều món ngon của lạ nên bánh chưng cũng phải đậu, thịt vừa đủ để ăn không bị ngấy”.
Bắt đầu gói bánh từ mùng 3 tháng Chạp, mỗi ngày nhà ông Bảy cho ra lò gần 1.500 chiếc bánh. Bánh được gói với nhiều kích cỡ, tùy thuộc vào yêu cầu của khách đặt hàng. Do thời tiết thuận lợi, nguồn nguyên liệu làm bánh phong phú, nên giá thành của bánh chưng năm nay không tăng so với mọi năm, từ 30.000 - 50.000 đồng/chiếc.
Mỗi mẻ luộc, nồi lớn có thể chứa tới 900 chiếc bánh chưng Ảnh Khánh Linh
Bánh vừa luộc chín, để ráo nước đã có người đánh xe xuống chở đi. Bánh chưng ở Tranh Khúc không mấy khi bán lẻ mà hầu hết đã được đặt trước để mang về nội thành bày bán trong các siêu thị hay nhà hàng. Nhiều khách buôn sỉ từ các tỉnh lận cận như Hưng Yên, Hải Phòng cũng tìm về tận nơi để đặt mua bánh.
Theo người dân Tranh Khúc kể lại, nghề gói bánh chưng đã có từ những năm còn kháng chiến chống Mỹ. Nhưng mãi đến năm 1975, khi đất nước giải phóng, người dân mới xây dưng và phát triển thành làng nghề. Đã bao đời gắn bỏ với nghề làm bánh, già trẻ gái trai trong làng ai cũng gói bánh nhanh thoăn thoắt. Người dân nơi đây luôn đặt cái “tâm” vào từng mẻ bánh, có vậy mới làm nên thương hiệu bánh chưng Tranh Khúc nức tiếng gần xa.
Dù đã ngoài 70 nhưng ông Bảy vẫn tâm huyết với nghề làm bánh gia truyền Ảnh Khánh Linh
Nhân bánh được chọn lựa kĩ càng, nêm nếm vừa đủ Ảnh Khánh Linh
Gạo gói bánh thường là nếp nhung hoặc nếp cái hoa vàng Ảnh Khánh Linh
Bánh chưng không chỉ đơn thuần là một món ăn mà còn là nét đẹp văn hóa, tâm linh của dân tộc ta Ảnh Khánh Linh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.