Trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa, vốn là nghề nổi tiếng của xứ Quảng từ thế kỷ 16...
Nghề ươm tơ, dệt lụa được giới thiệu với du khách trong và ngoài nước - Ảnh: B.N
|
Theo những cụ cao niên của làng nghề Mã Châu (H.Duy Xuyên, Quảng Nam), nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa là nghề khiến cho nhiều người biết đến vùng đất này. Cách đây hơn 400 năm, bà Đoàn Thị Ngọc (sinh ra từ vùng đất Duy Xuyên) được người dân tôn kính là Bà Chúa Tầm Tang bởi chính bà là người đã khuyến khích người dân trong vùng phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa... Thời ấy, nhiều mặt hàng tơ lụa gồm sợi mịn, sợi thô, mỏng dày, trơn hoặc hoa văn và các loại như đoạn, lãnh, gấm, vóc, trừu, sa, the xuyến... nổi tiếng và được ưa chuộng không chỉ ở thị trường trong nước mà cả nước ngoài. Các mặt hàng tơ lụa từ thương cảng Hội An đi khắp mọi nơi, sang các nước Đông Nam Á, châu Á, châu Âu... Sau này, bà Đoàn Thị Ngọc còn được Phủ Chúa phong tước Đoàn Quý Phi và nghề ươm tơ, dệt lụa càng trở nên phát triển hơn. Thêm nữa, người dân trong vùng vốn chăm chỉ, siêng năng, cộng với sự khéo léo, và đất đai trù phú cho nghề trồng dâu nuôi tằm, giúp cho nghề càng trở thịnh vượng...
Mã Châu từng có gần 4.000 khung cửi dệt vải ngày đêm không nghỉ. Mỗi năm, người dân trồng 2 vụ dâu tằm để lấy tơ. Nguồn tơ đẹp, mượt, cộng với kỹ thuật dệt lụa tinh xảo đã tạo nên mặt hàng lụa có chất lượng rất cao, được xem là một trong những món hàng quý bậc nhất thời bấy giờ... Nhưng rồi, đến những năm 90 của thế kỷ 20, khi thĩ trường tơ lụa ở xứ Quảng không tìm được đầu ra, nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa bị mai một dần. Những người làm nghề hoặc chuyển sang nghề khác, hoặc đi mưu sinh xa xứ...
Sống dậy nghề truyền thống
Năm 2007, làng nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa ở Duy Xuyên, Quảng Nam trở thành 1 trong 18 làng nghề được tỉnh Quảng Nam đầu tư khôi phục. Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, làng nghề bắt đầu tìm được phương hướng mới, nên những gia đình làm nghề ngày trước giờ quay trở về với nghề cũ. Hơn 2.000 khung dệt của 200 hộ dân có cơ hội để dệt nên những tấm lụa đẹp, chất lượng, cung cấp cho các tỉnh thành trong cả nước. Nhiều đơn đặt hàng ở nước bạn cũng đã xuất hiện ở làng nghề lụa Mã Châu. Đáng nói, cùng với việc làm ra những sản phẩm, làng nghề truyền thống ở Mã Châu còn là điểm đến du lịch vô cùng thu hút du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Không chỉ vậy, tại Hội An (Quảng Nam), một người con của làng nghề đã đầu tư, xây dựng nên một làng nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa với tên gọi làng Lụa. Làng Lụa tái hiện lại toàn bộ lịch sử và văn hóa của nghề tơ lụa truyền thống; về “văn hóa mặc” của người xứ Quảng. Tại nơi này, các công đoạn của nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa của người nông dân Quảng Nam được xây dựng công phu, với mục đích quảng bá nghề truyền thống đến với du khách quốc tế. Du khách tìm hiểu về nghề tơ tằm, lụa truyền thống Quảng Nam và thổ cẩm Chăm là những sản phẩm ghi dấu ấn của những tộc người Chăm và Việt cùng sống trên mảnh đất này. Với không gian văn hóa đa chiều, cùng với 40 loại dâu có nguồn gốc của người Chăm, các loại khung dệt cổ Chăm, Việt, các loại tằm cái kén, cùng những tiếng hát hò dân gian ngàn đời ở miền Trung, giúp những ai đặt chân đến đây đều có thể cảm nhận rất nhiều về vẻ đẹp của những cô gái chuyên canh cửi tằm tang. Và cũng tại nơi này, những sản phẩm tơ lụa một thời vốn nổi tiếng của xứ Quảng, được giới thiệu đến du khách, làm chiếc cầu nối kết để đưa sản phẩm tơ lụa xứ Quảng ngày càng vươn xa...
Bình luận (0)