Năm 2003, nhà máy chế biến tinh bột mì chính thức đi vào hoạt động; mỗi ngày cần khoảng 1.000m3 nước để sản xuất. Điều này cũng có nghĩa là mỗi ngày nhà máy xả chừng đó nước thải ra các ao hồ nằm gần khu dân cư và cách dòng sông Tân Mỹ chừng 200m. Dân làng Tân Mỹ và đồng bào dân tộc Raglay thôn Lương Giang, xã Quảng Sơn (gần nhà máy) đã phản ánh nhiều lần tình trạng ô nhiễm với các cấp chính quyền, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, nhưng nạn ô nhiễm vẫn không chấm dứt.
Chị Huỳnh Thị Anh, Trưởng ban quản lý thôn Tân Mỹ nói: "Mùi hôi bốc lên rất khó chịu, chỉ muốn ói. Mùi hôi hòa cuộn trong không khí từ năm này qua năm khác, khiến nhiều người bị nhức đầu sổ mũi, viêm xoang mãn tính". Công an viên Lê Tự Chính cho biết: "Làng Tân Mỹ mang tên là "làng nghẹt mũi" từ ngày Nhà máy chế biến tinh bột mì đi vào hoạt động. Người già không ngủ được, trẻ nhỏ không yên tâm học hành do thường xuyên hít phải mùi hôi khó chịu từ phía nhà máy bốc lên". Ông Chính đưa ra các loại thuốc viêm xoang mà ba người con ông phải thường xuyên dùng để chứng minh cho lời nói của mình: "Dân làng chúng tôi lại phải thường xuyên mua thuốc để điều trị các chứng bệnh về mũi".
Cụ Trần Thị Hằng (72 tuổi) nói không ra hơi do bị nghẹt mũi: "Cần chi các nhà khoa học xác minh sự ô nhiễm này. Chỉ cần người có trách nhiệm với dân về làng Tân Mỹ chừng 30 phút là biết ngay. Cái mùi gì mà khó chịu quá, đưa chén cơm lên miệng, ngửi thấy mùi đó là chán ăn. Ban đêm mùi hôi càng nồng nặc, không ngủ được".
Trong lá đơn kêu cứu gửi đến Báo Thanh Niên ngày 12/3/2006, người dân cho biết: Từ năm 2003, Nhà máy chế biến tinh bột mì xả ra chất thải chứa ở ao hồ, khi mưa nắng bốc mùi khó chịu, khiến người dân khó thở, sinh ra đau ốm thường xuyên. Dân ở đây là người lao động cực nhọc, hằng ngày vất vả thế mà phải chịu đựng mùi hôi của nhà máy trong nhiều năm qua. Thậm chí dọn cơm ra có đủ thứ mùi như cá chiên, canh chua, thịt xào, nhưng chỉ có một mùi hôi thối. Đêm về trằn trọc không ngủ được vì mùi hôi. Từ đó sinh ra các bệnh đau đầu, nhảy mũi, chảy nước mũi. Ngoài ra, người dân còn gửi những tấm ảnh hồ chứa nước thải bị vỡ bờ, nước chảy tứ tung để làm bằng chứng cho sự ô nhiễm trên.
Theo phân tích của một chuyên viên Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Ninh Thuận (đề nghị giấu tên), nhà máy này xả ra một lượng chất thải có hàm lượng chất hữu cơ rất cao, khả năng gây ô nhiễm môi trường rất rộng. Đặc biệt loại nước thải dùng để rửa khoai mì có chứa HCN, một axít có tính chất độc hại. Đây chính là chất hóa học có trong khoai mì gây nên trạng thái say khi ăn phải quá nhiều. Khi ngâm khoai mì vào nước, HCN sẽ tan trong nước và theo ra các hồ chứa. Các chất gây ô nhiễm không khí ở nhà máy chủ yếu khí SO2, NOx và các khí độc hại có mùi hôi sinh ra từ quá trình phân hủy chất hữu cơ, như khí H2S và các khí Mercaptan. Nếu hít thở các loại khí này thường xuyên, con người sẽ mất dần khả năng nhận biết mùi, khó thở, từ đó suy giảm sức khỏe. Khi hít phải khí NOx sẽ nhức đầu, ho dữ dội và rối loạn tiêu hóa, tiếp xúc lâu dài sẽ gây viêm phế quản thường xuyên.
Trong nhiều năm liền, người dân làng Tân Mỹ và đồng bào dân tộc Raglay thôn Lương Giang hít thở những khí rất độc từ chất thải của Nhà máy chế biến tinh bột mì. Hầu như cả làng bị nghẹt mũi và có nguy cơ dẫn đến nhiều căn bệnh khác. Đáng lưu ý là các hồ chứa nước thải này nằm cách dòng sông Tân Mỹ, nơi cung cấp nguồn nước cho nhà máy nước ở thị xã Phan Rang - Tháp Chàm, chừng 200m. Vì vậy, khả năng gây ô nhiễm nguồn nước không thể loại trừ.
Thiện Nhân
Bình luận (0)