Bà Đinh Phong (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) mím chặt môi, mắt đỏ hoe trước mô hình tái hiện khu tập thể trong triển lãm Thời bao cấp tại Bảo tàng Dân tộc học. Rồi bà lật ngửa, ngắm đôi bàn tay chai sạn của mình để thấy lại ngày xưa từng huỳnh huỵch xách nước gạo, nước sạch về nuôi lợn trên tầng ba. Tiếng lợn kêu phát ra từ thiết bị âm thanh của gian trưng bày hệt như những ngày bà làm bạn với chuồng lợn: hết cám bã lại dọn chuồng.
|
Thổi hồn cho hiện vật
Kéo dài suốt một năm, nhưng triển lãm Thời bao cấp cho tới ngày cuối vẫn đông người xem. Trường hợp trở đi trở lại bảo tàng nhiều lần như bà Đinh Phong không phải hiếm. Không chỉ va vào mắt, động vào tai, những trưng bày đó đã chạm vào ký ức, vào trái tim họ. Người ta gặp lại ở đấy hàng người xếp hàng thời bao cấp với những chiếc phiếu mua hàng bằng bàn tay, mỗi ô nhỏ hơn cái tem nhưng là vận mệnh của cả nhà. Các cửa hàng tổng hợp được dựng lại chi tiết tới cả chiếc hộp mứt tết thập cẩm. Sổ gạo đi vào cả thành ngữ “mặt như mất sổ gạo” cũng ở đó. Những mảnh đời như sống lại nhờ phương pháp tiếp cận nhân học.
|
“Bảo tàng có nhiều cách tiếp cận. Tiếp cận từ nhân học cũng được, tiếp cận từ lịch sử cũng được. Nhưng nếu tiếp cận lịch sử từ nhân học thì rất tốt. Nói nôm na nghĩa là chú trọng đến con người”, PGS-TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học nói.
Tuy nhiên, bảo tàng hiện nay phần lớn chỉ chú trọng con người trong ngoặc kép. Họ bày hiện vật của người nào đó nhưng lại không có thông tin gì về chủ nhân. Nói đâu xa, trong Bảo tàng Cách mạng có rất nhiều hiện vật thời kháng chiến chống Pháp. Tuy nhiên, hiện vật đó được tạo tác trong hoàn cảnh nào, ai làm và bối cảnh xã hội cụ thể thì lại không thấy nói.
Thay đổi cách trưng bày
Việc bỏ qua góc tiếp cận nhân học, hay bỏ qua nhân tố con người khiến nhiều hiện vật trở thành “vô hồn”. Bảo tàng Lịch sử quân sự trưng bày bức thư của bộ đội gửi về gia đình. Tuy nhiên, bức thư đó hiện nằm trong tủ kính với nét chữ khá mờ trên nền giấy đã chuyển màu thời gian. Người xem chỉ có thể đọc được nội dung của lời giới thiệu hiện vật chứ không đọc được nội dung thư. Vì thế, câu chuyện bức thư trở nên sơ sài và buồn chán.
“Vậy sao không tìm đoạn đáng đọc nhất, phóng to nó lên để người xem có thể đọc được bên cạnh nhìn bức thư thật”, ông Huy hiến kế. “Người ta có thể không cần đọc cả bức thư nhưng phải hiểu được tinh thần của bức thư ấy qua đoạn trích quan trọng nhất. Họ cũng cần đọc người viết bức thư đó là ai, tiểu sử, lý lịch, bối cảnh cụ thể của bức thư. Rồi nếu người viết còn sống, người nhận thư còn sống sao không đến tận nơi để lấy lời họ nói. Đọc thư và xem chính nhân chứng kể chuyện sẽ rất thú vị”.
PGS-TS Huy cho biết, chính cách kể chuyện như vậy đã làm nên sức sống cho nhiều cuộc triển lãm, trưng bày trên thế giới. Chẳng hạn, khi xem một trưng bày ở Úc về những người dân di cư đến nước Úc, người ta đã tìm xem ai là người đến đầu tiên, thời kỳ đó khó khăn thế nào. Trong trưng bày, người ta cảm nhận đời sống thời đó qua những bức thư, qua nội dung trích từ những đoạn nhật ký của người đương thời - con cháu những người đầu tiên ấy kể về họ. Người xem sẽ hiểu cội nguồn nước Úc là như thế.
“Chúng ta cũng có những câu chuyện suốt chiều dài lịch sử 80-90 năm trở lại đây với nhiều nhân chứng sống. Nếu bảo tàng không khẩn trương, ta sẽ không còn thấy họ”, ông Huy cho biết. “Hãy kể về những chiến sĩ cách mạng, du khách muốn biết họ vượt qua địa ngục trần gian ở Côn Đảo ra sao, sau đó sống thế nào trong đời thường. Bảo tàng chỉ nhằm tuyên truyền về sự kiên gan của người chiến sĩ cách mạng, còn nửa cuộc đời sau khi đã thoát khỏi chuồng cọp thì không. Thành ra cuộc đời họ bị đứt đoạn”.
Rõ ràng, bảo tàng phải bám câu chuyện của mình là hiện vật gắn với con người nếu không muốn tiếp tục sáo rỗng. Ngay cả khi không thể có con người của thời kỳ đó, hiện vật đó để kể chuyện chúng ta vẫn có cách khác để góc nhìn nhân học vẫn xuất hiện. Với cách kéo người nghiên cứu vào cuộc, chúng ta sẽ có những triển lãm với nhà sử học này diễn giải thế này, nhà sử học khác diễn giải thế khác trên một hiện vật. Sự đa nguyên trong diễn giải sẽ giúp người xem tiếp cận hiện vật tốt nhất. Bởi ngay cả việc cùng công nhận giá trị, các nhà khoa học cũng hoàn toàn có cách nhận định về cái đẹp và ý nghĩa hiện vật khác nhau.
Chẳng hạn, khi trưng bày trống đồng, bảo tàng nên nêu rõ có bao nhiêu luận giải về trống đồng. Khi nói đến những trống đồng tìm thấy ở Việt Nam, sao không nói đến những trống đồng có ở Vân Nam, Quảng Tây. Họ tìm thấy trống đồng thậm chí nhiều hơn chúng ta. Do đó, đừng lúc nào cũng khẳng định trống đồng là của Việt Nam, bởi cả Trung Quốc, Indonesia, Myanmar cũng có. “Phải tránh chuyện dân tộc chủ nghĩa để nhìn thấy cả khu vực Đông Nam Á”, ông Huy khuyến cáo.
Về vấn đề kinh phí, một lý do bảo tàng nêu để khước từ tiếp cận nhiều góc độ, ông Huy cho rằng đây không phải lý do chính đáng. Theo ông, những cách nhìn đa diện hầu hết các nhà sử học đều biết, vấn đề là họ có được nói hay không.
Trinh Nguyễn
Bình luận (0)