Phòng học bỏ hoang
Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm H.Long Hồ (Vĩnh Long) rộng khoảng 1.000 m2, khánh thành năm 2006 với vốn đầu tư xây dựng 750 triệu đồng. Mới đây, do nhà xưởng, phòng học xuống cấp nên trung tâm trùng tu, sửa chữa với kinh phí 600 triệu đồng. Dự kiến năm 2013 này, trung tâm tiếp tục được đầu tư thêm hơn 1 tỉ đồng để làm mới phần hạ tầng còn lại.
Hiện tại, trung tâm có 3 phòng học khá rộng nhưng gần như đóng cửa quanh năm bởi có quá ít người đến học. Bên trong hội trường lớn, cũng là phòng học nghề của học viên, đồ điện tử, tủ lạnh, bàn ghế, quạt điện, CPU máy tính… chất ngổn ngang như một kho chứa phế liệu. Ông Lý Vân Nam, Giám đốc trung tâm, cho biết: “Phòng học đóng cửa vì người dân không chịu đi xa lên trung tâm học. Còn các lớp mở dưới xã, ấp cũng phải đến quý 2/2013 có kinh phí mới bắt đầu triển khai được. Lúc ấy, trung tâm mới đem máy móc thiết bị ra lau chùi rồi chở xuống các điểm dạy”.
Cũng theo ông Nam, toàn bộ thiết bị máy móc được đầu tư ở trung tâm có giá trị khoảng 4 tỉ đồng. Thế nhưng gần như không có người sử dụng. Nhân lực cơ hữu của cả trung tâm chỉ có 4 người gồm giám đốc, phó giám đốc và 2 nhân viên. Còn giáo viên dạy nghề phải ký hợp đồng với cơ sở dạy nghề khác mỗi khi tổ chức được lớp học. Được đầu tư nhiều, mỗi năm lại được cấp kinh phí hoạt động hàng tỉ đồng nhưng cả năm 2012 trung tâm chỉ mở được 3 lớp học may công nghiệp, với vỏn vẹn 27 học viên. Các nghề khác như chế biến món ăn, may công nghiệp, sinh vật cảnh, tin học, xây dựng dân dụng… đều phải thuê địa điểm mở tại các xã, ấp. Riêng những nghề sửa xe, sửa điện, cơ khí… do không đủ người đăng ký học nên các thiết bị, máy móc phải “trùm mền” cả năm.
|
Đầu tư để cho thuê
Không thu hút được học viên để mở lớp tại trung tâm nên ở nhiều nơi, các trung tâm đã tận dụng cơ sở hạ tầng, thiết bị để cho thuê. Trung tâm dạy nghề H.Tam Bình (Vĩnh Long) có 5 xưởng dạy nghề được xây dựng trên diện tích hơn 6.300 m2. Hiện nay, trung tâm đã cho các doanh nghiệp thuê 2 xưởng may, các xưởng còn lại đều đóng cửa. Ông Ngô Thái Bình, Phó giám đốc Trung tâm dạy nghề H.Tam Bình, cho biết: “Do ít học viên nên chúng tôi cho Công ty may Ngân Đình và Công ty giày Trường An thuê 2 nhà xưởng với giá 7 triệu đồng/tháng. Các xưởng khác khi tổ chức được lớp mới mở cửa hoạt động”. Cũng theo ông Bình, dù nhận hồ sơ thường xuyên nhưng cả năm 2012, tại trung tâm chỉ mở được 8 lớp học may tại trung tâm với khoảng 200 học viên.
Trung tâm dạy nghề ở H.Vị Thủy (Hậu Giang) cũng đang tận dụng các phòng học nghề để cho thuê tổ chức lớp học, thi cử, họp hành… Đây là một trong những trung tâm dạy nghề cấp huyện được đầu tư lớn ở ĐBSCL. Từ khi khánh thành năm 2008 đến nay, trung tâm này đã được đầu tư khoảng 12 tỉ đồng, năm 2011 đưa vào sử dụng khối phòng học mới với kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước là 3,6 tỉ đồng. Ông Nguyễn Ngọc Phước, Giám đốc trung tâm, thừa nhận: “Hằng năm trung tâm được huyện giao chỉ tiêu nộp ngân sách khoảng 50 triệu đồng. Nhờ tận dụng nguồn thu từ cho thuê phòng học nên năm nào trung tâm cũng hoàn thành chỉ tiêu nộp ngân sách”.
Năm 2012, trung tâm còn được đầu tư 7 tỉ đồng để mua sắm thêm trang thiết bị dạy các nghề: cơ khí, nuôi trồng thủy sản, chạm khắc trên gỗ, mộc, xây dựng, kỹ thuật vận hành sửa chữa máy gặt đập liên hợp, sửa chữa điện, điện tử, điện lạnh, nấu ăn... Tuy nhiên, hiện nhiều máy móc trang thiết bị sửa điện dân dụng, điện tử, sửa chữa máy điều hòa đã đưa về trung tâm nhưng lại không có người vận hành. Ngoài cho thuê nhà học, trung tâm dạy nghề H.Vị Thủy còn tận dụng đưa máy gặt đập liên hợp ra đồng gặt lúa thuê, các học viên trực tiếp tham gia để thực hành. Theo ông Phước, mỗi năm trừ tất cả chi phí trung tâm cũng thu được 20 - 30 triệu đồng từ gặt lúa thuê kết hợp với tổ chức thực hành cho học viên.
Không thể phủ nhận vai trò của các trung tâm dạy nghề tuyến huyện, thị trong việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thế nhưng, việc đầu tư tiền tỉ để xây dựng các trung tâm, mua sắm máy móc, thiết bị nhưng người học lèo tèo, sử dụng kém hiệu quả, thậm chí sai mục đích là lãng phí.
Đình Tuyển
Bình luận (0)