Ngay sau khi Bệnh viện (BV) Nhi đồng TP.HCM khánh thành vào ngày 1.6 qua, một số người ngỡ ngàng khi biết BV có thêm tầng hầm thứ 2. PV Thanh Niên đã mục sở thị tầng hầm này.
[VIDEO] Cận cảnh tầng hầm 2 không sử dụng được ở Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM
|
Đi coi chừng đụng đầu!
Đi xuống tầng hầm thứ nhất, men theo dãy hành lang thuộc khoa tiết chế - dinh dưỡng và đụng khu vực y học hạt nhân là một cánh cửa sắt khép kín, nếu không có người chỉ đường thì cũng không biết công dụng của cánh cửa này để làm gì. Mở cánh cửa sắt, tiến vào bên trong, điện sáng choang. Người dẫn đường cảnh báo PV: “Đi coi chừng đụng đầu, phía trên nhiều đinh lắm”. Người dẫn đường đi xuống cầu thang và phải khom người vì hầm quá thấp.
Trong tầng hầm thứ 2 này có khu vực bể lắng phóng xạ rộng chừng 200 m2. Còn lại không gian trống trơn, rộng mênh mông. Trên đầu chúng tôi là ống nước, hộp dây điện.
PV dùng thước dây đo chiều cao tầng hầm thứ 2: Ngay khi qua lối cầu thang tầng hầm 1 dẫn xuống tầng hầm 2, chiều cao thực tế giữa sàn và trần là 1,66 m. Tuy nhiên, chiều cao tính từ đường ống cáp điện, ống nước trên trần xuống sàn chỉ có 1,22 m, muốn đi qua phải cúi người thật thấp. Tiến sâu vào bên trong thì chiều cao từ trần xuống sàn giảm còn 1,4 m.
|
Lãng phí 32 tỉ đồng?
Ngày 5.6, PV Thanh Niên liên hệ với Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình thuộc Sở Y tế TP, là chủ đầu tư, để tìm hiểu. Ông Lưu Hồ Ngọc Thanh, Trưởng phòng Dự án của ban này cho biết, tầng hầm 2 thực chất là hố PIT, tức tầng kỹ thuật. Tuy nhiên theo ông Thanh, trong các quyết định phê duyệt dự án BV, phê duyệt kỹ thuật thì từ UBND TP đến Bộ Xây dựng đều không có nói hay đề cập đến tầng PIT này.
|
Ông Thanh cho rằng, theo giải thích của nhà thiết kế là Công ty Yooil thì hố PIT là công nghệ thiết kế của Hàn Quốc. “Họ giải thích là tầng kỹ thuật để thao tác, xử lý cho hệ thống ống của tầng trên và nơi chứa bể phóng xạ nên khuyến cáo không sử dụng khu vực này. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi khu vực có chất phóng xạ có thể che chắn lại, cách ly không được tiếp cận, còn khu vực khác có thể làm kho được”, ông Thanh nói.
Chúng tôi hỏi, cơ sở 2 BV Ung bướu TP cũng có đến 4 máy y học hạt nhân - xạ trị (BV Nhi đồng TP có 2 máy) và lượng chất thải phóng xạ rất nhiều nhưng chỉ có tầng hầm 1 và không có hố PIT? Ông Thanh giải thích, cơ sở 2 BV Ung bướu TP do một công ty khác thiết kế và không có hố PIT, các loại đường ống không bố trí bên dưới; khu có phóng xạ được đưa ra riêng một góc và che chắn kỹ càng.
|
Theo ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình thuộc Sở Y tế TP, việc xây hố PIT là trách nhiệm của giai đoạn trước (từ thời ông Huỳnh Văn Biết, Phó giám đốc Sở Y tế TP, kiêm Giám đốc Ban Quản lý - NV). “Các bể chứa phóng xạ làm ngầm cũng được chứ không cần làm hố PIT hay mục đích phục vụ cho kỹ thuật. Vấn đề này là trách nhiệm của nhà thầu xây dựng và thiết kế. Ban sẽ tính toán lại chi phí với nhà thầu liên doanh”, ông Dũng nói.
Ông Lưu Hồ Ngọc Thanh cho biết thêm: “Vừa rồi Thanh tra Chính phủ thanh tra cũng đặt vấn đề tại sao có tầng PIT chỉ có 1,6 m, tại sao không làm cao lên thêm để sử dụng; và nếu quá thấp thì tại sao không bỏ luôn? Thanh tra Chính phủ cũng tính giá trị lãng phí của tầng hầm PIT là khoảng 32 tỉ đồng nếu bỏ sàn tầng hầm 1 (tức là không đổ bê tông tầng hầm 1). Tuy nhiên, vấn đề này cũng chưa có kết luận cuối cùng”.
Một nguồn tin của PV Thanh Niên cho biết Thanh tra Chính phủ cũng vừa hoàn tất thanh tra dự án BV Nhi đồng TP, trong dự thảo kết luận thanh tra cũng đưa vấn đề việc xây dựng hố PIT là lãng phí. Theo ông Lê Văn Dũng, Ban cũng đang chờ kết luận chính thức của Thanh tra Chính phủ để thực hiện.
Theo ông Lưu Hồ Ngọc Thanh, bên thiết kế dự án BV cho biết công ty từng thực hiện hố PIT khi xây một số BV khác ở VN, trong đó có BV đa khoa tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên bác sĩ Ngô Đức Tuấn, Giám đốc BV đa khoa Đồng Nai cho biết BV này được thiết kế 2 tầng hầm B1 và B2 chứ không có hố PIT. Ở tầng B2 chiều cao cũng hơn 3 m, có hệ thống máy phóng xạ (được che chắn), có nhà đại thể, khoa giải phẫu bệnh và nhân viên ra vào làm việc bình thường. “Việc xây tầng hầm BV cao chỉ 1,4 - 1,6 m như vậy là không hợp lý”, bác sĩ Tuấn nói.
Ngày 21.11.2014, UBND TP.HCM ban hành quyết định duyệt dự án đầu tư xây dựng BV Nhi đồng TP.HCM. Theo đó, Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình thuộc Sở Y tế TP là chủ đầu tư; tổ chức tư vấn lập dự án là liên doanh Yooil (Hàn Quốc) - Ánh sáng Phương Nam - Nam Sài Gòn. Công trình có một tầng hầm cao 5,2 m và 8 tầng cao. Tổng diện tích sàn là hơn 91.000 m2, trong đó tầng hầm là trên 20.000 m2.
Tầng hầm 1 thiết kế có 4 lối ra vào (2 lối cho xe máy và 2 lối cho phục vụ), là nơi bố trí các kho, khu vực để xe máy nhân viên, phòng kỹ thuật, khoa ung bướu - y học hạt nhân, khoa dược, khoa dinh dưỡng - tiết chế, lưu xác và phòng giặt.
Ngày 10.7.2015, UBND TP tiếp tục ban hành quyết định về duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán xây dựng BV Nhi đồng TP hạng mục công trình: Cọc đại trà (khối công trình). Trong quyết định này, UBND TP cũng chỉ nói có 1 tầng hầm và 8 tầng cao. Nhà thầu thực hiện gói thầu EPC do liên doanh nhà thầu CC1 và Công ty Yooil thực hiện.
Ngày 25.4.2016, UBND TP một lần nữa có quyết định về phê quyệt thiết kế kỹ thuật BV Nhi đồng TP, hạng mục khối công trình chính (không bao gồm phần cọc và kết cầu phần ngầm) và hạng mục phụ. UBND TP yêu cầu trường hợp điều chỉnh thiết kế kỹ thuật (nếu có) phải thực hiện theo quy định tại điều 84, luật Xây dựng năm 2014.
Trước đó, ngày 31.10.2014, Bộ Xây dựng có công văn gửi UBND TP về kết quả thẩm tra thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư dự án BV Nhi đồng TP. Tại công văn này, Bộ Xây dựng cũng chỉ nói 1 tầng hầm và 8 tầng nổi, không có chữ nào nói đến xây dựng hố PIT hàng ngàn mét vuông.
|
Bình luận (0)