Lãng phí sân vận động tiền tỉ: Bài 2: Sân vận động để… nuôi gà

22/07/2015 10:21 GMT+7

Do sử dụng không hết công năng, hiện nhiều sân vận động (SVĐ) tiền tỉ ở Hà Nội bị dùng sai mục đích và “bế tắc” trong việc duy trì hoạt động.

Do sử dụng không hết công năng, hiện nhiều sân vận động (SVĐ) tiền tỉ ở Hà Nội bị dùng sai mục đích và “bế tắc” trong việc duy trì hoạt động.

Lãng phí sân vận động tiền tỉ: Bài 2: Sân vận động để… nuôi gàMột phần diện tích của Trung tâm TDTT huyện Phúc Thọ được sử dụng làm nơi nuôi gà - Ảnh: Nam Anh
Theo khảo sát của PV, tại Trung tâm TDTT H.Đan Phượng có nhiều hạng mục được “nhường” cho cơ quan công an đóng trên địa bàn làm trụ sở. Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Giám đốc Trung tâm TDTT huyện Đan Phượng cho biết: “Hiện Công an huyện Đan Phượng đã mượn gầm của khán đài B làm chỗ ở cho 1 đội CSGT. Còn 2/3 khán đài A cũng được Đội kiểm tra của Phòng Cảnh sát PCCC của huyện mượn tạm làm trụ sở”.
Tương tự, tại Trung tâm TDTT Thanh Oai, một phần trụ sở của Trung tâm này được cũng trở thành nơi làm việc của Công an thị trấn Kim Bài. Trung tâm TDTT huyện Phúc Thọ cũng nhường gầm khán đài cho lực lượng công an mượn làm trụ sở.
Đặc biệt, khuôn viên sát tường của SVĐ Phúc Thọ còn biến thành một khu vườn rộng hơn trăm mét vuông để trồng cây cảnh và làm chuồng nuôi gà. Dãy chuồng gà được chủ nhân gia công khá kiên cố, lợp bằng mái tôn và quây bằng hàng rào thép.
Theo quan sát, đàn gà khoảng gần trăm con đủ các loại, được nuôi thả tự do nên thoải mái tung tăng phóng uế khắp nơi, mùi phân bốc lên nồng nặc. Tuy nhiên, khi được hỏi thì nhiều nhân viên và bảo vệ của trung tâm đều lắc đầu, không biết khu chuồng gà là của ai.
Khó hoạt động hiệu quả
Được xây dựng hoành tráng, trong khi nguồn ngân sách nhà nước chưa đáp ứng đủ quá trình vận hành và bảo trì, khiến cho các SVĐ rơi vào cảnh “sống chết mặc bay”. Hiện nhiều SVĐ tuyến huyện đã đang trong tình trạng xuống cấp, hư hại nặng nhưng không có tiền sửa chữa. Tại Trung tâm TDTT Đan Phượng, hệ thống lưới sắt chắn trên tường rào đã bị hoen rỉ. Hàng ngàn ghế ngồi trên khán đài đều bạc vỏ.
Lý giải về tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Giám đốc Trung tâm TDTT huyện Đan Phượng cho hay:“Trong dịp lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ số lượng ghế ngồi trên. Hiện, số lượng ghế này đã bạc gần hết và chưa có kinh phí để thay mới”.
Tương tự, SVĐ thuộc Trung tâm TDTT Thanh Oai cũng lộ rõ sự xuống cấp. Mặt SVĐ không khác gì một thửa ruộng, cỏ chết gần hết, lộ rõ mặt đất nền… Ông Bùi Văn Vĩ, Giám đốc Trung tâm TDTT này cho rằng, công trình mới được đưa vào vận hành, vẫn còn trong thời gian bảo hành. Nếu xảy ra hỏng hóc, phía chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm bảo dưỡng. Trả lời câu hỏi, khi hết thời gian bảo dưỡng, trung tâm sẽ lấy kinh phí ở đâu để duy tu công trình, ông Vĩ cho hay: “Trong thời gian tới, chúng tôi cũng tính đến chuyện thu tiền để có kinh phí hoạt động và tu bổ”.
Tại Trung tâm TDTT huyện Hoài Đức, ông Nguyễn Trí Bình, Giám đốc trung tâm cũng cho hay: “Nếu chỉ trông chờ vào nguồn kinh phí từ ngân sách thì không thể đủ duy trì cho các hoạt động TDTT, mà sẽ phải thu kinh phí từ người sử dụng”.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Vĩnh, Giám đốc Trung tâm TDTT huyện Đan Phượng thì trung tâm này đã thực hiện xã hội hóa để có thêm nguồn kinh phí hoạt động và tu bổ. Thế nhưng việc làm này vẫn chưa đem lại hiệu quả, bởi nguồn thu rất thấp. Giám đốc của một trung tâm TDTT cấp huyện đã phải thốt lên rằng, trên địa bàn huyện chủ yếu là vùng nông thôn, người dân ít có điều kiện chơi thể thao thì làm sao có thể thu được phí!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.