Lãng phí tài nguyên du lịch: Lộn xộn chợ, phố ẩm thực

24/02/2010 00:58 GMT+7

Chợ và ẩm thực là hai yếu tố không thể thiếu trong chương trình tour dành cho du khách. Đó là chỗ để khách tiêu tiền và tìm hiểu văn hóa bản địa.

Vào chợ sợ bị móc túi

Theo tiến sĩ Huỳnh Quốc Thắng - Trưởng ban Đào tạo, Hiệp hội Du lịch TP.HCM - chợ là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng. Nếu được thiết kế tốt, chợ sẽ trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc của du lịch VN. Trên thực tế, "tài nguyên" chợ của ta rất đa dạng và hấp dẫn. Mỗi chợ đều có điểm khác biệt để thu hút du khách. Như tại TP.HCM, chợ Bến Thành bán nhiều hàng lưu niệm, còn chợ Bình Tây có quy mô của một chợ bán sỉ với nhiều thứ khách Tây muốn tìm hiểu. Nhiều du khách không thể quên món chả mực ở chợ Hạ Long, còn khi tới chợ Đông Ba thì nón Huế, hạt sen hồ Tịnh Tâm lại khiến họ tìm hiểu về một Huế tinh tế... Rồi chợ Sapa, chợ Bắc Hà, chợ nổi Cái Bè, Cái Răng... Mỗi chợ đều mang đậm bản sắc văn hóa của các vùng miền VN.  

Đến chợ, khách còn có cơ hội giao tiếp với người dân địa phương, thích thú khi trả giá và mua một món hàng rẻ không có trong siêu thị. Ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch HĐQT Công ty Du Ngoạn Việt - cho biết: “Hơn 20 năm làm du lịch quốc tế, tôi luôn mạnh dạn đưa chợ vào mọi chương trình tham quan tại hầu hết các địa phương trong cả nước. Khách đều khen sau mỗi lần đi chợ và đó là một trong những dấu ấn đẹp nhất trong hành trình đến VN. Tới TP.HCM thì tham quan chợ Bến Thành, chợ Bình Tây; ở Huế sẽ đi chợ Đông Ba; Đà Nẵng thì dạo quanh chợ Hàn; Hà Nội thăm chợ Đồng Xuân; Nha Trang tham quan chợ Đầm...”.

Mới đây, Tổng cục Du lịch và Sở VH-TT-DL TP.HCM xây dựng bộ tiêu chí đánh giá chợ đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Đây là căn cứ để Bộ VH-TT-DL, Tổng cục Du lịch ban hành văn bản hướng dẫn Sở VH-TT-DL các tỉnh thành công nhận và cấp biển hiệu "Chợ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch" trong thời gian tới.

Tuy nhiên, hiện trạng nhiều chợ hiện nay khiến nhiều hãng lữ hành bức xúc và du khách ngán ngẩm, đặc biệt là nạn cướp giật, móc túi. Các diễn đàn du lịch thường xuyên khuyến cáo khách tới VN, nếu có đi chợ Bến Thành không nên mang theo gì cả, nhằm tránh bị móc túi. Các hướng dẫn viên quốc tế luôn thuộc lòng bài học là phải nhắc nhở khách trước mỗi chuyến tham quan chợ Bến Thành: Nếu có quay phim, chụp hình vui lòng buộc dây máy thật kỹ vào cánh tay; để lại nữ trang quý giá, tiền bạc, giấy tờ tùy thân ở khách sạn. “Thật xấu hổ nhưng không có cách giải quyết nào khác. Nói chung là an ninh ở chợ Bến Thành rất tệ. Mới đây khách nước ngoài của công ty chúng tôi bị móc túi mất hết giấy tờ. Khách thề là sẽ không bao giờ quay lại VN. Có khách bị giật máy ảnh, không tiếc cái máy mà tiếc hình ảnh lưu trong máy”, ông Anh nói. Giám đốc một công ty du lịch kể: “Chợ Bến Thành hay một số điểm bán áo dài may sẵn, người bán hiếm khi bán kèm theo quần, nên treo giá rất thấp. Gần đây, một nhóm khách tàu biển phải nhờ chúng tôi mua giúp 5 cái quần cho 5 cái áo dài mua về làm quà tặng cho bạn bè ở Đức. Nguyên nhân là khi mua áo dài về, mới phát hiện là không thể mặc áo dài mà không có quần may kèm theo!”.

Phố ẩm thực ế khách

Theo ông Nguyễn Thế Vinh, Phó giám đốc Công ty dịch vụ lữ hành Saigontourist, ẩm thực là yếu tố quan trọng số một trong du lịch. Ẩm thực không chỉ là ăn uống đơn thuần, mà là văn hóa. Vì vậy, bên cạnh việc phải xây dựng những khu ẩm thực đúng nghĩa ở các thành phố có đông du khách, chúng ta cần quảng bá và giới thiệu mạnh mẽ những món ăn, thức uống đặc trưng của VN. Trên thực tế, tại các thành phố lớn, các khu du lịch trên cả nước đều có các khu phố ẩm thực. Tuy nhiên, thực trạng của các khu phố này lại rất đáng buồn.

Khu phố ẩm thực kéo dài gần 2 km trên đường Võ Thị Sáu, huyện đảo Phú Quốc la liệt những tấm bảng hiệu chào đón nhiệt tình. Nhiều lò than đỏ hừng hực, nướng hải sản thơm nức nhưng vẫn vắng vẻ. Hầu hết du khách đi qua đều thản nhiên... đi tiếp về phía những nhà hàng đặc sản mọc đầy ở hướng biển. Ở đây, họ thấy an toàn hơn là ngồi giữa phố đầy gió và bụi.

Ở Q.5, TP.HCM, trước đây có phố ẩm thực rất quy mô, phục vụ nhu cầu ăn uống của du khách người Hoa nhưng không cạnh tranh nổi với các nhà hàng gần đó nên giờ chỉ hoạt động cầm chừng.

Nhộn nhịp nhất hiện nay là khu phố ẩm thực hai bên hông chợ Bến Thành. Tuy nhiên, sự nhộn nhịp đã trở thành xô bồ, bát nháo. Những mẹt trái cây bày tràn lan ra lòng đường, đội ngũ chào mời khách của các quán cũng tràn ra đường. Xe máy, xích lô đua nhau chạy ra chạy vào, bóp còi inh ỏi. Người mua kẻ bán chen lấn, cãi vã khi va quệåt xe. Đội ngũ bán hàng rong bám riết du khách nước ngoài. Khách lắc đầu từ chối, lập tức họ biến thành người ăn xin chìa tay xin tiền.

Du khách ngồi trong quán ăn vẫn không được yên thân. Hàng rong, trẻ bán vé số kiêm ăn xin cũng len lỏi vào tận bàn ăn nài nỉ. Các tiểu thương bán quần áo, đồ lưu niệm kế bên cũng tranh thủ lúc du khách ngồi ăn mà tiếp thị. Họ chào mời nhiệt tình thái quá khiến du khách cảm thấy bực mình.

Đặc biệt, điều làm du khách sợ hơn cả là vấn đề vệ sinh của chợ đêm Bến Thành và các chợ nói chung. Hình ảnh nước thải tràn ra đường, mùi thức ăn thừa, mùi trái cây thối từ các “sạp” trái cây lòng đường, rác rưởi, khói xe máy lẫn mùi mồ hôi người đã phá hỏng hình dung về một con phố ẩm thực, phố du lịch bình yên và sạch sẽ. Đi dọc “hậu trường” gian hàng ẩm thực thì kinh hoàng. Nước rửa chén bát chảy tràn ra mặt đường bốc mùi chua lè, tanh tưởi. Vài quán, nhân viên ăn mặc khá lôi thôi bưng bê thức ăn phục vụ, gây phản cảm cho thực khách.

Chợ, phố ẩm thực ở VN nếu được tổ chức tốt, sẽ trở thành điểm đến tuyệt vời cho du khách. Đây không chỉ là nơi để du khách tiêu tiền mà còn rất hiệu quả trong việc quảng bá văn hóa, ẩm thực VN.

Tôi có ý kiến

Đừng vô cảm!

Loạt bài Lãng phí tài nguyên du lịch đăng trên Thanh Niên nhận được rất nhiều sự đồng tình từ bạn đọc.

 Xin giữ những mảng thiên nhiên còn lại

Những mảng thiên nhiên nhỏ bé còn lại của Đà Lạt đang ngày đêm run rẩy vì chính quyền TP đang kêu gọi đầu tư. Mà thực tế là nhà đầu tư đi đến đâu thì thiên nhiên ở đó bị xâm hại, cảnh quan bị tàn phá. Như thung lũng Tình Yêu, trước đây là một vùng mây nước mênh mông, thông xanh, cỏ mượt ngút ngàn,  giờ đây đã biến thành một công viên rẻ tiền. Quán xá ngổn ngang từ trên đỉnh đồi xuống tận thung lũng sâu. Những cây thông bị đốn trụi để... lót đường đi xuống, làm mặt hồ trơ ra một cách vô duyên. Con đường nhựa nghêng ngang đâm thủng khu rừng thông, những bức tượng bê tông ngớ ngẩn rải rác khắp khu đồi, một hai căn nhà xấu xí mọc ngay bên hồ...

Nghe chính quyền TP cấp giấy phép khai thác hai khu vực thiên nhiên hiếm hoi còn sót lại là suối Vàng và hồ Tuyền Lâm, tôi cảm thấy đau lòng quá. Tại sao lại vô cảm với thiên nhiên của Đà Lạt như thế? Thiên nhiên xinh tươi đã tạo nên bản sắc của Đà Lạt. Hãy trồng thêm cây, hoa cỏ, hãy phủ những con đường trơ trụi trong trung tâm thành phố bằng những hàng cây đặc trưng Đà Lạt... Với Đà Lạt, điều cần làm nhất hiện tại là hãy gìn giữ, nâng niu những mảng thiên nhiên nhỏ bé còn lại!

(An Cựu, cbquynh...@yahoo.com)

Chẳng biết chơi gì ngoài... nhậu

Có thể khẳng định, khách du lịch không thích đến VN vì đời sống về đêm quá tệ. Nếu du lịch bên Thái Lan, Singapore, Malaysia... ban đêm, khách tự do đi lại trên bãi biển, hóng mát, nghỉ ngơi, nếu không thì có thể xem các show nghệ thuật truyền thống hoặc giải trí hiện đại, mua sắm ở các khu thương mại mở cửa  xuyên đêm. Còn ở VN, thử hỏi khách về đêm sẽ làm gì? Đừng nói đến khách du lịch quốc tế, khách trong nước cũng chẳng biết chơi gì ngoài... nhậu. Đi du lịch là để xài tiền, về đêm ở VN không biết xài tiền vào đâu thì đúng là chán thật!

(thanhtungcat...@yahoo.com)

Hãy trả lại bãi biển cho người dân

Cách đây cả chục năm khi đi Vũng Tàu, Nha Trang, Mũi Né... tôi đã nhận thấy điều bất cập khi thấy chính quyền cho phép xây dựng các công trình này nọ trên mé biển làm chắn tầm nhìn của khách, bãi biển thành sở hữu riêng của từng đơn vị... Du khách không thể nào tự do tham quan, đi vào hoặc sử dụng các bãi tắm đó được. Cách đây mấy năm có dịp ra Phú Quốc, tôi cũng thấy tương tự. Tất cả các mặt tiền bãi biển đều là sở hữu của tư nhân, resort...  Hãy trả lại bãi biển cho người dân! (abc... @yahoo.com )

Không thích đến một nơi như thế

Tôi có rất nhiều bạn bè, họ đã trở về sau chuyến du lịch ở VN và họ đã nói với tôi về việc bãi biển ở VN bị chia cắt như Thanh Niên đã viết. Họ ở lại bãi biển ở Mũi Né và họ không thể nào đi dạo trên bãi biển được vì bãi biển đã bị chia nhỏ cho chủ các resort. Tôi không bao giờ thích đến một nơi như thế.

(James Mcneil, Canada)

Ban CTBĐ
(tổng hợp)

Hoàng Việt - N.Trần Tâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.