Làng phong kêu cứu sau lũ

04/10/2009 16:21 GMT+7

(TNO) Trưởng thôn Đắk Kia (xã Đoàn Kết, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) A Nhíu nói: “Trước khi bị lũ, trong làng đã có một số hộ thiếu ăn rồi. Bây giờ thì cả làng đều thiếu đói…”.

Đến 10 giờ sáng 4.10, đứng trên cầu Đắk Tía trên Tỉnh lộ 671 nhìn xuống, làng Đắk Kia hoang tàn và một vài nơi vẫn còn chìm trong nước. Đã mấy ngày qua Đắk Kia bị mất điện do một cây gỗ trắc lâu năm bị gió đánh ngã, làm đứt đường dây điện dẫn vào làng. Hiện tại, trong làng vẫn còn 4-5 hộ chưa có điện vì đồng hồ đặt ở vị trí gần mặt đất, nước vào hư hỏng không dùng được.

Theo chân Trưởng thôn A Nhíu, chúng tôi vào thăm các gia đình trong làng. Khắp nơi bốc lên mùi của bùn non, mùi của quần áo, đồ đạc bị ướt lâu ngày, mùi của xác gà, vịt, heo chết. Đáng lo là tất cả giếng nước trong làng hiện bị ngập nặng, nước đục ngầu không dùng được, người dân tạm thời dùng nước bình đóng chai và nước suối Đắk Tía cạnh làng.

A Nhíu nói: “Chúng tôi lo nhất hiện nay ngoài vấn đề thiếu đói là vấn đề ô nhiễm môi trường, bệnh tật của người dân, nhất là trong làng hiện đang có gần 90 bệnh nhân phong, trong đó một số bệnh nhân rất nặng”.

Bà Y Lưới bị mất 3 con bò trong lũ đang ngồi buồn bên hiên nhà, than thở: “Nước lên nhanh quá, dân làng chỉ kịp chạy lên tầng 2 của trạm xá làng phong để thoát thân, con bò, con chó đều bỏ lại ở nhà. Giờ mất hết rồi…”. 

Ông Kso Choang, người mất gần 2 tạ heo thì nói như mếu: “Bầy heo mình dự định bán để mua thêm gạo nhưng lũ vào làm heo chết hết. Giờ cả nhà mình 7 miệng ăn không biết sống thế nào nữa”.

Tại khu B của làng phong, gia đình của vợ chồng anh A Klum (40 tuổi) và chị Y Bí (34 tuổi) cùng người mẹ già Y Bơh (70 tuổi) và 5 đứa con nhỏ như chưa hết bàng hoàng mặc dù lũ đã đi qua gần 5 ngày. Bà Y Bơh nói, mấy ngày nay cả nhà cứ ngồi nhìn đồ đạc lẫn trong bùn, tay chân thì tật nguyền, già yếu không biết làm cái chi. Có ít lúa gạo nước lũ làm ướt hết.

Cuối làng phong, trong ngôi nhà nhỏ gần như đổ nghiêng, xơ Y Phương - người được dân làng phong gọi là “bà tiên giữa đời thường” vì đã trọn 70 năm hết mình vì người bệnh phong - mấy ngày nay cứ lẩn thẩn không biết phải nên làm gì. Nước lũ lên nhanh khiến một số gạo và sữa, đường từ thiện cho bệnh nhân phong ướt sạch. Ngồi giữa hai bao gạo lên mốc vì bị ngâm nước, xơ Y Phương đã khóc: “Thấy bà con đói mà gạo thì mốc như thế này. Hôm qua xơ chạy bộ đi xin được mấy thùng mì ăn liền, nhưng cũng chỉ phân phát cho mỗi người được 2 gói. Thương nhất là các bệnh nhân phong nặng, chân tay vốn rỉ máu mà ngâm vào nước lũ đầy bùn thì lại càng lở loét thêm...”.

Chiều qua 3.10, đoàn cứu trợ của Uỷ ban MTTQ Quận 10 (TP.HCM) đã vào thăm và tặng mỗi hộ dân làng phong 300.000 đồng/hộ. Bệnh viện đa khoa Kon Tum cấp thuốc khử trùng giếng nước…

Tuy nhiên, theo Trưởng thôn A Nhíu, với tình trạng giá cả như hiện nay thì cuộc sống người dân rất khó khăn vì phải đối phó với cái đói.

Theo già làng A Níu, từ trận lụt năm 1972 đến nay, làng phong Đắk Kia mới có cơn lũ lớn trở lại. Ngôi nhà thờ ở giữa làng cao thế mà nước ngập sâu đến gần 3 m. Nếu không có tầng hai của trạm xá làng phong thì dân làng chết hết, vì nước lên nhanh quá. Toàn thôn Đắk Kia có 117 hộ với 535 khẩu, trong đó có 11 hộ và 32 người độc thân là bệnh nhân phong, 100% là đồng bào Gia Rai.

Bài, ảnh: Nguyên Lộc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.