Đi từ Hà Nội xuống theo QL5 cũ, sẽ thấy phố Tam Bạc bên dòng sông cùng tên. Bắt đầu từ cầu Lạc Long và vòng ra phía sau chợ Sắt, phố Tam Bạc kết thúc khi gặp phố Quang Trung ở ngã ba đập Tam Kỳ. Con phố nhỏ uốn cong theo bờ sông dài khoảng 1,4 km và thuận tiện giao thông thủy bộ từ lâu đã là một khu vực buôn bán sầm uất, nay chạy qua các phường Quang Trung, Phạm Hồng Thái, Phan Bội Châu của Q.Hồng Bàng, TP.Hải Phòng.
Thế kỷ 19, các thương nhân VN, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ đã chọn nơi này để cư trú và làm ăn. Thời kỳ đỉnh cao, sông Tam Bạc chen chúc tàu, thuyền, trên bờ là những dãy phố đông đúc. Người dân, đa số là người Hoa, sống bằng đủ mọi nghề và tạo ra một không gian văn hóa thật thú vị. Sau này, các bến xe Lạc Long, Tam Bạc, bến tàu Bính cũng lần lượt mở gần Tam Bạc.
Theo nhà sử học Ngô Đăng Lợi, đô thị Hải Phòng với nền kinh tế cảng biển thậm chí còn được manh nha và phát triển từ khu vực này. Điểm nhấn của Tam Bạc một thời là chợ Sắt đình đám ở một đầu, đầu còn lại là tòa nhà ngân hàng bằng đá trắng do người Pháp xây dựng, nay vẫn còn ở đầu phố Nguyễn Tri Phương.
Nhưng qua thời gian, Tam Bạc sầm uất ngày nào trở nên vắng vẻ, ảm đạm. Sông Tam Bạc bị bồi đắp, cạn nước và vắng tàu thuyền qua lại. Phố bây giờ là sự ô hợp của kiến trúc với những công trình mới được xây dựng xen lẫn với những ngôi nhà cũ kỹ đang xuống cấp. Cảnh buôn bán chuyên nghiệp, tấp nập thay bằng những góc chợ manh mún, lộn xộn. Chợ Sắt sau những năm tháng hoàng kim cũng đang trong cảnh lay lắt, đìu hiu. Tam Bạc nay trở thành cái tên chỉ còn đẹp trong đời sống văn học nghệ thuật đất Cảng, nhưng trong đời thường thì là một khu phố cũ với vẻ đẹp điêu tàn, chắp vá.
Nhưng những gì còn lại của Tam Bạc, nhất là trong lòng người, vẫn còn nhiều giá trị. Anh Nguyễn Thanh Tùng, một hướng dẫn viên du lịch quốc tế nhận xét: “Về địa thế, tính chất và vẻ đẹp của phố bên sông thì Tam Bạc chả kém gì Hội An”. Anh Tùng cho biết, nhiều du khách nói họ rất ấn tượng với vẻ ảo diệu của Tam Bạc, khi đứng trên cầu Lạc Long ngắm nhìn đường cong hoàn mỹ mà con phố tạo nên cùng dòng sông. Khi hoàng hôn buông xuống, mặt sông Tam Bạc vốn đỏ màu phù sa được tô thắm và hắt ánh sáng huyền ảo lên con phố rêu phong. Vào buổi tối, sắc vàng của đèn điện bừng sáng khiến Tam Bạc trở nên lung linh, huyền ảo.
Tam Bạc còn là một thương hiệu gây tò mò. Nhiều người chưa đến đây nhưng đã được nghe nhiều, xem nhiều qua tranh, ảnh, thơ, văn. Ông Trần Vinh, một họa sĩ nổi tiếng ở TP.Hải Phòng cho biết: Tam Bạc từng là một khu phố rất đẹp, rất riêng, bởi sự kết hợp hài hòa giữa không gian kiến trúc và đời sống thị dân.
Trước năm 1990, đây còn là khu vực trên bến dưới thuyền. Họa sĩ nào từ Hà Nội cũng muốn xuống Hải Phòng để vẽ về Tam Bạc, trong đó, nổi bật là họa sĩ nổi tiếng Lưu Công Nhân đã có nhiều tác phẩm vẽ địa danh này bằng thuốc nước, bột màu. Họa sĩ Hải Phòng ai cũng có vài bức tranh vẽ Tam Bạc. Năm ngoái, thành phố còn có một triển lãm tranh chuyên đề về Tam Bạc.
Thật đáng buồn là Tam Bạc hiện nay như một phế tích bị lãng quên. Ông Võ Quốc Thái, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hải Phòng cho rằng, nên biến nơi đây thành một khu phố du lịch. “Nếu được quy hoạch và bảo tồn tốt, Tam Bạc sẽ là nơi khách du lịch phải bỏ tiền để hưởng thụ. Thay vì để người dân họp chợ, tập kết hoa quả, cá tôm, thì xây dựng quán ăn, cà phê, nhà nghỉ”, ông Thái nói.
Theo ông Thái, để làm được điều đó, cần chỉnh trang môi trường cho sạch sẽ, gọn gàng để biến Tam Bạc trở thành phố đi bộ, đi xe đạp. “Bổ sung thêm ghế đá, cây xanh, chúng ta sẽ có một địa danh đầy sức hút. Xa hơn là việc khôi phục lại bến tàu khách, ca nô để đưa du khách ngắm cảnh trên sông. Điều này không quá khó để thực hiện”, ông Thái nói, và gợi ý thêm: Tam Bạc nối liền với dải vườn hoa trung tâm thành một vòng khép kín. Từ Nhà hát lớn, du khách có thể xuyên qua các khu phố Trần Quang Khải, Lãn Ông, Quang Trung để ra Tam Bạc và vòng về chợ Sắt để trở lại nơi xuất phát. Đó sẽ là một tour du lịch thú vị!
Theo ông Nguyễn Hoàng Phương, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Hải Phòng, thành phố này đã phê duyệt quy hoạch phân khu các quận, trong đó có quy hoạch Q.Hồng Bàng với sông Tam Bạc là dòng sông khởi thủy hình thành đô thị Cảng của TP. Theo đó, Hải Phòng đã xác định “sông Tam Bạc là đại lộ nước, cây xanh và không gian kiến trúc; cải tạo, nâng cấp các trục cảnh quan hiện có và sông Tam Bạc làm các trục cảnh quan trung tâm, xây dựng hình ảnh đô thị đặc trưng”.
TP.Hải Phòng cũng xác định lộ trình giai đoạn đầu tư đến năm 2020 là chỉnh trang, bảo tồn đô thị cũ; quy hoạch, cải tạo cảnh quan ven các sông, trong đó có sông Tam Bạc; nạo vét, kè bờ sông Tam Bạc và xây cầu qua sông.
Nếu quy hoạch trên được thực hiện, cảnh quan Tam Bạc có thể sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, để trở thành một khu phố du lịch như các dãy phố bên sông Hoài ở Hội An như mong muốn của nhiều người, Tam Bạc còn cần một tầm nhìn xa hơn, một kế hoạch cụ thể, liên quan đến nhiều vấn đề, chứ không chỉ việc thực hiện một quy hoạch đô thị thông thường.
Bình luận (0)