Làng rèn Bộ Thu (ấp Tân Quới Lộ, xã Bình Thành, H.Phụng Hiệp, Hậu Giang) có gần trăm lò rèn di động vẫn ngày đêm nổi lửa tỏa đi khắp các tỉnh miền Tây.
Những lò rèn di động
Dân ở Tân Quới Lộ làm nghề rèn tại chỗ gần cả trăm năm nay, cứ 10 nhà thì có tới 4 - 5 nhà có người làm nghề rèn. Trước đây, sản phẩm thường được đưa ra chợ bán, nhưng sau này dao kéo, nông cụ từ miền ngoài chuyển về các chợ miền Tây nhiều, giá lại rẻ nên làng nghề vắng khách.
Trước nguy cơ đóng cửa lò rèn, cái khó ló cái khôn, ông Đỗ Hữu Trung, 60 tuổi, cùng vài người bạn tìm cách cứu nghề. Dân miền Tây mạnh về sông nước, nhìn xung quanh không có thứ gì mà bà con không bán trên sông. Vậy sao mình không thử mang lò lên ghe?
Nghĩ là làm, ông Trung và những người cùng lứa bắt đầu thiết kế cột búa, chỗ để máy mài, nơi treo sản phẩm dao kéo giới thiệu mặt hàng… Ông Trung nhớ lại: “Khi thiết kế đưa lò trên ghe, mình phải tính đến độ xô của sóng nước để đặt trụ búa vào tâm ghe. Trụ búa có chắc thì đường búa nện xuống mới đủ lực, dụng cụ được rèn mới tốt. Nếu công đoạn này làm không kỹ, cột búa lỏng lẻo, sóng nước bấp bênh, ghe tròng trành khiến búa nện không chuẩn thì dụng cụ được rèn không đạt chất lượng tốt nhất. Một bộ đồ nghề gồm máy búa, lò than, máy mài… khoảng 80 triệu đồng”.
Bà con xã Thạnh Lộc (H.Giồng Riềng, Kiên Giang) chờ mài dao, phảng từ ghe lò rèn |
Leica |
Sau khi hoàn thành những chiếc lò trên ghe đầu tiên, lứa ông Trung chia nhau xuôi ghe về những con rạch nhỏ miệt Cà Mau, Bạc Liêu nơi đường bộ còn đi lại khó khăn, bà con lại ở xa chợ… Đúng như dự tính, những ghe rèn đầu tiên xuống tới Cà Mau đã bội thu.
Giá chung cho việc mài mới, sửa lưỡi dao khoảng 30.000 - 50.000 đồng. Làm mới, thay chuôi dao, kéo cũng khoảng hơn 50.000 đồng. Riêng chiếc phảng (dụng cụ phát cỏ của người miền Tây) dài chừng hơn 1 m nên công làm cao hơn, khoảng 100.000 đồng. Muốn đổi dao cũ thì bù thêm chút tiền.
Một ngày làm việc của thợ rèn trên ghe khoảng hơn 10 tiếng, bắt đầu từ lúc hừng đông cho đến khoảng 16 giờ khi người dân địa phương bắt đầu bữa cơm chiều. Không còn khách, ghe lò rèn rời bến đi tìm chỗ đậu để nghỉ và ngủ qua đêm.
Theo các lái ghe, một ghe làm cả ngày đều việc sẽ thu về trên dưới 1 triệu đồng. Trừ chi phí xăng dầu, so với làm rèn trên đất liền tiền kiếm được cũng cao gấp mấy lần.
Thấy “ngon ăn”, các lò rèn dao, kéo và nông cụ ở Tân Quới Lộ từ từ chuyển lên ghe gần hết (chỉ còn vài lò tại chỗ rèn búa bỏ mối cho khách buôn từ Cà Mau).
Ông Tôn Văn Bạch (62 tuổi, sống trên kênh Thị Đội, xã Thạnh Lộc, H.Giồng Riềng, Kiên Giang, nơi các ghe rèn ở Hậu Giang thường ghé) cho hay: “Bà con xóm này 10 năm nay không mang dao kéo ra chợ mài nữa, cần mua mới cũng đợi khi nào ghe tới bến mới mua. Một năm hai lần, ghe rèn ghé bến bà con lại xách dao, kéo chờ sẵn như đã hẹn từ trước”.
Ghe lò rèn của anh Nguyễn Thành Lợi hơn 20 năm lênh đênh làm nghề khắp miền Tây |
NVCC |
“Ăn ghe” ở đậu bến người
Anh Đỗ Thanh Sang (35 tuổi, quê xã Bình Thành, H.Phụng Hiệp, Hậu Giang) theo ba và ông nội học nghề rèn lúc còn… mẫu giáo. Khi 12 tuổi, anh đã làm được những công đoạn phụ như mài dao, mài kéo, thay cán dao, cùng ba và ông nội có những chuyến đi xa đầu đời. Thích đi đó đây, lại yêu nghề rèn nên khi trưởng thành, anh Sang quyết định làm lò rèn trên ghe, tự tay quay búa làm rèn kiếm cơm nuôi 5 miệng ăn của gia đình nhỏ.
Một năm 2 lần, ghe rèn anh ghé khúc sông (kênh Thị Đội, Thạnh Lộc, Kiên Giang). Đã thành quen, nhìn thấy ghe anh, nghe tiếng rao quen tai là bà con gọi. Họ đưa dao, phảng lên ghe, anh Sang ra hiệu cho con trai phía trong ghe nổ máy. Khi máy nổ, than trong lồng được thổi hồng rực, anh Sang đưa vào lò chiếc phảng gỉ sét, dài 1,2 m rồi đưa lên búa dùng sức đập liên hồi cho phần lưỡi chiếc phảng mỏng ra, lớp gỉ sét bong sạch. Anh thay chuôi phảng mới rồi mài lại lưỡi...
Anh Nguyễn Văn Phong, nhà sát mé bờ kênh, leo lên ghe nhìn anh Sang làm rồi tấm tắc: “Ổng làm dao, mài kéo sắc, bền, dùng ngon tới nửa năm sau. Tôi mua cây kéo làm cá ba năm nay vẫn sắc nguyên như mới nè”.
Mỗi con dao mài xong tiền công là 20.000 - 30.000 đồng |
Leica |
Chiều xuống, chị Hạnh (vợ anh Sang) ghé lên khu chợ gần đó mua chút đồ ăn, cơm canh đơn giản qua bữa rồi anh chị cột ghe, mang điện thoại, bình ắc quy lên nhà dân sạc điện nhờ. Chiếc ghe nhỏ chỉ chừng 7 m2 vừa là lò rèn cũng là nơi ăn ở cho ba người. Chỗ ngủ của thằng Khang, con chị ở phía cuối thuyền, nơi đặt chiếc vỏ máy. Mũi ghe rộng chừng 1,5 m là chỗ ngủ của vợ chồng chị.
Ngày trước, cưới chồng được vài ngày chị đã theo chồng xuống ghe làm lò rèn rong ruổi kiếm ăn, lênh đênh rày đây mai đó, ngày ở nhà tính chỉ trên đầu ngón tay. Khắp các con sông, rạch ở Cà Mau, Bạc Liêu xuôi về Cần Thơ, Kiên Giang dọc núi Cô Tô về Hòn Đất… vùng đất nào ghe nhà chị cũng đã đi qua, khúc sông nào cũng từng ghé. Tới nay chị và anh Sang đã mười mấy năm ăn ghe ở đậu bến người.
Chị Hạnh tâm sự giọng thoáng buồn, nghiệp sông nước buộc phải theo chứ ba đứa con, đứa lớn Đỗ Hoàng Khang mới 12 tuổi đã theo cha nghỉ học đi ghe học nghề. Hai đứa nhỏ bỏ ở nhà hy vọng học hành đàng hoàng để thoát kiếp lênh đênh.
Khi được hỏi lớn lên thích làm nghề gì, Khang trả lời chắc nịch như ông cụ non: “Từ lúc nhỏ con đã thấy ông cố, ông nội rồi tới ba đều làm rèn. Đi ghe, làm rèn tuy vất vả nhưng là nghề chân chính. Chỉ cần làm việc chân chính thì không có gì đáng ngại”.
Nói rồi Khang nhìn ba với ánh mắt đầy ngưỡng mộ: “Người ta cần thầy giỏi nhưng cũng rất cần thợ giỏi. Con muốn trở thành thợ rèn giỏi như ba”.
Kẹt rạch nhỏ, dính bão lớn
Những ngày đầu đi ghe rèn ở vùng sông nước Cà Mau, thấy bà con càng ở sâu trong rạch nhỏ nhu cầu mua, sửa dao kéo, nông cụ càng nhiều, anh Nguyễn Thành Lợi (36 tuổi, dân làng rèn Bộ Thu) ham làm nên không để ý khi con nước ròng xuất hiện, nước rút cạn trơ đáy khiến ghe của anh nằm bất động trên vũng bùn, tìm mọi cách cũng không tài nào đưa chiếc ghe ra sông lớn được. “Vì kẹt trong con rạch rất nhỏ nên xung quanh không có người để nhờ giúp đỡ, mua đồ ăn chỉ đành chờ nước lên. Ra sông lớn, ghe rèn lại phải đối mặt với sóng to, gió cả. Ở mũi Cà Mau vào mùa gió lớn có khi ngủ dậy đã thấy ghe mình trôi lênh đênh trên sông. Khi gặp bão, mái tôn, cột ghe đều bị gió cuốn bay, đồ đạc bay hết xuống sông, người và ghe ướt ngoi ngóp. Những đêm như thế người trên ghe rèn lại thức trắng”, anh Lợi kể.
Bình luận (0)