|
Lần đầu tiên đọc bài thơ này cho một nhóm các bạn bè ở đài và Ban Tuyên huấn trong một cuộc tụ tập vui ở B9 (Ban Tuyên huấn), khi tôi đọc hết bài thơ khá dài, anh Hải đã đứng lên ôm lấy tôi và nói: “Đây là Đợi anh về của Việt Nam”. Tôi rất cảm động. Không phải vì tôi được ăn theo Simonov (nhà văn, nhà thơ Liên Xô nổi tiếng với những tác phẩm viết về chiến tranh giữ nước vĩ đại) mà vì tôi biết mình đã bắt đầu có những người đọc chia sẻ, và thơ mình không hẳn là vô ích.
Bài thơ này được tôi viết cả trên hầm lẫn dưới hầm, nhưng đoạn đầu là viết dưới hầm, cái hầm tránh bom được đào trong căn nhà lợp lá trung quân khá tươm tất của ông Điển - một “giáo viên cắm… rừng”. Là giáo viên, nhưng ông Điển được điều động sang Đài Giải phóng, ở Tiểu ban Giáo dục (sau này nghe nói ông từng là Phó hiệu trưởng Đại học Quốc gia TP.HCM nhưng tôi không được gặp ông). Khi tôi sang thường trú bên đài, cũng hay chơi với ông Điển.
Ông quê Thanh Hóa, rất chỉn chu, chăm chỉ, căn nhà của ông ở rừng được dựng rất đẹp, lợp lá trung quân và cái hầm tránh bom đào giữa nhà thì khỏi chê! Vì thế, khi ông Điển đi công tác, tôi với Lê Điệp đã xung phong giữ nhà… miễn phí cho ông. Nhà sạch đẹp ở cũng sướng. Hầm tránh bom tốt lại càng yên tâm. Dạo đó căng, B.52, B.57 thường xuyên đánh bom buổi tối, nên cứ khoảng 7 giờ đêm là chúng tôi lại phải xuống ngủ dưới hầm. Bài thơ Thử nói về hạnh phúc được mở đầu từ chính căn hầm của ông Điển. Đoạn mở đầu này có “không khí” vì nó thực, tôi viết ngay dưới hầm, chong đèn dầu mà viết: “Nửa đêm tôi choàng dậy/Tiếng bom hú rất gần/Ba đợt B.52/Cái hầm của tôi ngày không nắng mặt trời/Đêm không ánh sao/Những mùa trăng lướt qua xa cách”...
Người đầu tiên đọc bài thơ này dĩ nhiên là Lê Điệp, anh cũng là người đầu tiên chép tay bài thơ này. Sau đó bài thơ được tôi gửi ra Hà Nội cho bạn bè, và một người bạn của tôi - nhà phê bình Định Nguyễn đã mang nó tới cho nhà thơ Chế Lan Viên. Sau này, khi nhận và đọc tập Dấu chân qua trảng cỏ, rồi viết lời giới thiệu 13 bài thơ của tôi trên tạp chí Tác phẩm mới, nhà thơ Chế Lan Viên đã nhắc tới Thử nói về hạnh phúc mà ông cho đây là “bài thơ rất hay nhưng mà đau xót quá”. “Thêm một tiếng đau riêng lúc ấy thì có ích gì. Tôi giữ bài thơ và chờ đợi”, Chế Lan Viên viết. Nói về hạnh phúc, mà buồn, mà đau xót, thì khó thành hạnh phúc rồi!
Nhưng thơ buồn, thì lính nhớ. Sau chiến tranh, có lần tôi ngồi ở nhà anh Nguyễn Công Khế - lúc đó là Tổng biên tập Báo Thanh Niên, thì một người bạn cùng hoạt động trong phong trào học sinh - sinh viên với Khế, là cựu tù Côn Đảo đã đọc thuộc lòng cho tôi nghe bài thơ Thử nói về hạnh phúc và cả bài Một người lính nói về thế hệ mình. Hôm đó, anh bạn này uống nhiều rượu quá, vừa đọc vừa suýt “té ghế”, do say, chứ không phải do thơ hay. Chưa hết. Anh còn kể chuyện, vì sao anh có bản thảo hai bài thơ. Hóa ra, hai bài thơ này được mang từ đất liền ra Côn Đảo bởi những tù nhân VC, và ở đó, nó được một số tù nhân trẻ chuyền tay nhau đọc.
Đối với tôi, nghe được thông tin ấy là hạnh phúc lớn, dù bài thơ của tôi mới chỉ dám “thử nói” về hạnh phúc. Rồi có một lần tôi lên Đắk Lắk, trong một đêm ở nhà khách, một cựu chiến binh bấy giờ đang công tác ở viễn thông, tìm tôi. Anh tìm tôi chỉ để đọc cho tôi nghe bài thơ Thử nói về hạnh phúc mà anh thuộc lòng. Anh vốn là sinh viên năm thứ 4 Đại học Bách khoa Hà Nội, nhập ngũ trong đợt tổng động viên 1972, và đã làm lính Thành Cổ -Quảng Trị, tiểu đoàn tên lửa. May mà còn sống sót. Hỏi anh, vì sao thuộc bài thơ này. Anh nói, hồi đó sinh viên mới nhập ngũ có chuyền tay nhau bài thơ chép tay và anh đã thuộc ngay khi vào chiến trường Quảng Trị. Lại một niềm hạnh phúc nữa cho tôi.
Bởi cho tới sau năm 1975, bài thơ này mới được in lần đầu trên Báo Phụ nữ Việt Nam, nhờ anh bạn Hùng râu làm biên tập thơ ở đó. Còn ngày Huế giải phóng, anh bạn tôi là Đệ đen (nhà thơ Hà Linh Chi) lúc ấy là phóng viên văn nghệ Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam vào giải phóng Huế, đã trực tiếp lên Đài phát thanh Huế đọc bài thơ Thử nói về hạnh phúc. Đúng là mới giải phóng, Đệ đen cứ đọc bừa như thế, hình như cũng chả ai kiểm duyệt gì và chả biết có ai nghe không. Nhưng sau này gặp Đệ nghe anh kể tôi đã sướng quá trời. Vì bài thơ mình đã được xuất bản, dù là xuất bản “mồm” nhưng là “mồm bạn” và trên sóng Đài phát thanh giải phóng Huế hẳn hoi nhé! Làm thơ cũng có những lúc sướng thế đấy, bõ công bao nhiêu khốn khổ mình phải chịu vì thơ.
Nhân đây cũng xin nói, chính vào năm 1974, khi tôi phải “xơi quả đắng” vì bài thơ Một người lính nói về thế hệ mình thì lời giới thiệu đầy tình cảm ngọt mát của nhà thơ Chế Lan Viên cộng với 13 bài thơ trong tập Dấu chân qua trảng cỏ mà ông chọn đăng trên Tạp chí Tác phẩm mới số tháng 4.1974 đã góp phần cứu gỡ cho tôi khỏi một cái “án văn” tào lao.
Thanh Thảo
>> Lang thang qua chiến tranh - Kỳ 3: Cơm rang và Trăng con
>> Lang thang qua chiến tranh - Kỳ 2: Trảng Còng và nhạc Hoàng Việt
>> Lang thang qua chiến tranh: Nhìn khuôn mặt chiến tranh
Bình luận (0)