Tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, đồng bản tệ yếu và cải cách hiến pháp là những đề tài gai góc được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thảo luận với Tổng thống nước chủ nhà Barack Obama vào ngày 22.2, theo Kyodo News. Trong bài phát biểu cùng ngày tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington, Thủ tướng Abe nhấn mạnh: “Nhật Bản đã trở lại”. Chuyến công du Mỹ là dịp để ông thử nghiệm độ bền chặt của liên minh với Mỹ.
|
Cùng ngày, Tân Hoa xã đăng bài xã luận cảnh cáo về nguy cơ sứt mẻ quan hệ Mỹ - Trung nếu Washington ủng hộ Tokyo trong cuộc tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trước đó, Trung Quốc đã phản ứng hết sức giận dữ trước bài phỏng vấn Thủ tướng Nhật trên tờ The Washington Post. Trong đó, ông Abe nói rằng Bắc Kinh có “tật thâm căn cố đế” là luôn “gây hấn với các quốc gia láng giềng về vấn đề lãnh hải”. Tân Hoa xã dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi tuyên bố nước này “hết sức sửng sốt” với bình luận trên. Theo ông Hồng, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã cải chính rằng có thể tờ báo Mỹ đã chuyển ngữ sai ý của Thủ tướng Abe.
Trong khi Thủ tướng Nhật tìm kiếm sự ủng hộ từ Mỹ, ông Tập Cận Bình được cho là quyết định sẽ đến Nga trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Dù chưa có xác nhận chính thức nhưng theo Đài tiếng nói nước Nga, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì đã đến Moscow hội đàm với người đồng cấp Sergei Lavrov để chuẩn bị cho chuyến thăm. Trước đó, giới chức Nga úp mở về ý định bán hệ thống phòng không hiện đại S-400 cho Trung Quốc. AFP dẫn lời giới phân tích cho rằng việc tăng cường quan hệ toàn diện với Trung Quốc là ưu tiên chính của Nga trong bối cảnh quan hệ Moscow - phương Tây đang gặp trắc trở.
Lực lượng Nhật báo động Theo Kyodo News, Lực lượng tuần duyên Nhật Bản ngày 22.2 cho biết họ đang trong tình trạng báo động từ khi 3 tàu hải giám Trung Quốc áp sát tàu cá Nhật gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư hồi đầu tuần này. Các tàu Hải giám 46, Hải giám 50 và Hải giám 66 bị cho là tiến sát tàu cá, chỉ cách có vài trăm mét hôm 18.2. Cũng trong ngày 22.2, Chánh văn phòng nội các Nhật Yoshihide Suga cho biết đã yêu cầu Trung Quốc giải thích tại sao các tàu nước này đặt một số phao định vị gần Senkaku/Điếu Ngư. Giới truyền thông Nhật suy đoán những phao này có thể dùng để theo dõi tàu ngầm. Trong khi đó, tờ The Wall Street Journal dẫn lời trung tướng Sam Angelella, Tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Nhật Bản, cáo buộc hải quân Trung Quốc liên tục có “hành động khiêu khích có thể trở nên nguy hiểm”. H.G |
Thụy Miên
>> Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thăm chính thức Việt Nam
>> Ông Shinzo Abe trở thành thủ tướng Nhật
>> Ông Shinzo Abe sẽ cử đặc sứ đến Trung Quốc
>> Ông Shinzo Abe nhầm tên Tổng thống Mỹ
Bình luận (0)