Lãnh đạo thế giới và thói quen trừng phạt kinh tế

02/05/2016 09:11 GMT+7

Giới lãnh đạo thế giới ngày càng phụ thuộc vào các lệnh trừng phạt kinh tế để kiềm chế các nước như Triều Tiên và Sudan. Song họ lại thường thất bại.

Theo Bloomberg, tháng 3 vừa qua, 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc biểu quyết thắt chặt lệnh trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên, nước vốn là một trong những chế độ cô lập nhất thế giới, vì vụ phóng tên lửa và thử nghiệm hạt nhân vi phạm các nghị quyết trước đây của Liên Hiệp Quốc.

Bình Nhưỡng phản ứng với thông tin trên bằng nhiều đợt phóng tên lửa hơn. Rất ít nhà phân tích kỳ vọng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.

Dù áp lực trừng phạt kinh tế đã tỏ ra có hiệu quả trong trường hợp thỏa thuận hạt nhân Iran, kết quả đó phải mất một thập kỷ mới xuất hiện. Đa số các trường hợp cấm vận còn lại không đem lại kết quả như ý.

“Các biện pháp trừng phạt đã thất bại trong việc đạt mục tiêu, ngay cả câu chuyện thành công cũng có những thông tin trái chiều. Các nước đã tìm ra cách xoay sở và đối mặt với lệnh trừng phạt”, chuyên gia Daniel Wagner thuộc hãng tư vấn Country Risk Solutions cho hay.

Có đến 16 nước chịu lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc trong thập niên này, tăng gấp đôi số lượng so với năm 1990. Một nghiên cứu năm 2013 của Đại học Brown (Mỹ) thực hiện trên 22 chế độ chịu lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc kể từ năm 1991, cho thấy hiệu quả của các biện pháp trừng phạt là cưỡng chế thay đổi chỉ 10% hành vi.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob J. Lew cũng nhận định các quốc gia không nên xem lệnh trừng phạt là một biện pháp hữu hiệu.

Cuối những năm 1990 và 2000, biện phát trừng phạt áp đặt với Iraq và viễn cảnh chiến tranh với Mỹ thất bại trong việc thuyết phục ông Saddam Hussein mở cửa hoàn toàn Iraq cho các thanh tra vũ khí của Liên Hiệp Quốc. Khi Mỹ và các đồng minh tiến vào Iraq, họ không tìm thấy chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt nào và Mỹ đã sa lầy, trở thành một lực lượng chiếm đóng ở đây. Các biện pháp trừng phạt trở nên phức tạp hơn kể từ sau đó, ông Lew nói.

Nói về lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga, Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho hay: “Chúng tôi sử dụng biện pháp trừng phạt nhắm vào bên trong và giai đoạn đầu tiên nói chung đã có ít tác động tới công chúng. Chúng tôi đã học được rất nhiều”. Nga đã và đang bị ảnh hưởng bởi đợt lao dốc giá dầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.