Lãnh đạo TP.HCM yêu cầu phải ‘dẹp trắng’ quán nhậu tràn ra đường

06/08/2017 08:59 GMT+7

UBND TP.HCM yêu cầu Chủ tịch UBND 24 quận, huyện trên địa bàn bắt buộc phải tuân thủ nghiêm.

Ngày 5.8, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP với sự tham dự của lãnh đạo UBND 24 quận, huyện trực thuộc.

tin liên quan

TP.HCM minh bạch thu phí vỉa hè
Ngày 19.6, Văn phòng UBND TP.HCM thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong về đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP (gọi tắt là vỉa hè) mà Sở GTVT đã trình trước đó.
Tại hội nghị này, Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nêu ra 4 tiêu chí ‘dẹp loạn’ vỉa hè, đồng thời yêu cầu các quận, huyện thực hiện nghiêm.
Thứ nhất: nơi nào ảnh hưởng đến giao thông cho người đi bộ và phương tiện thì phải kiên quyết xử lý, không viện dẫn bất kỳ lý do nào.
“Nơi nào ảnh hưởng như thế thì phải dẹp, chợ tự phát phải dẹp, bởi đây không phải đơn thuần là chuyện mỹ quan, trật tự mà quan trọng hơn là vấn đề an toàn giao thông, tính mạng con người nữa”, ông Tuyến giải thích.
Ông đưa thêm dẫn chứng: “Có nơi tình trạng mua bán lấn chiếm lòng lề đường trái phép lấy hết 1 làn xe, làn còn lại dồn hết các xe dẫn đến bị kẹt”.
Thứ hai: những vấn đề gây phản cảm thì phải xử lý nghiêm. Ông Tuyến nêu ví dụ điển hình như quán nhậu, đã lấn chiếm lòng lề đường mà còn tạo hình ảnh xấu về nhậu nhẹt bê tha. Ông cho rằng: Pháp luật không cấm buôn bán ăn uống, nhưng mà anh tràn ra vỉa hè, lòng đường kinh doanh là không được. Vi phạm thì phải dẹp trắng, không nói lý do gì hết.
Thứ ba: mua bán gây mất trật tự, không đảm bảo vệ sinh là phải xử lý nghiêm. Theo ông Tuyến, nếu như quận, huyện, phường, xã có nhu cầu giải quyết cho bà con diện hộ nghèo có nơi buôn bán, mưu sinh thì cũng phải đảm bảo trật tự, vệ sinh. TP cho chủ trương để Q.1 và Q.4 làm thí điểm, nhưng nếu để mất trật tự, vệ sinh cũng bị dẹp luôn.

tin liên quan

Lập tổ công vụ kiểm tra trật tự vỉa hè Q.1
Thông tin trên được ông Trần Thế Thuận, Chủ tịch UBND Q.1 (TP.HCM), công bố trong Hội nghị sơ kết công tác quản lý trật tự đô thị 5 tháng đầu năm 2017 trên địa bàn Q.1, diễn ra chiều 14.6.
“Mục tiêu là thống nhất vậy. Tôi không nói cái gì cho hay không cho nhưng về nguyên tắc quản lý phải là như vậy. Nơi nào để mất trật tự, vệ sinh thì buộc phải dẹp, dù TP trước đó có cho chủ trương cũng phải dẹp, bởi chủ trương của TP là tạo điều kiện cho buôn bán trật tự, hợp vệ sinh mà không đảm bảo được thì các hộ tham gia phải chịu trách nhiệm”, ông Tuyến nói. Ông cũng nhắn gửi: “TP đã chia sẻ thì mong bà con buôn bán trật tự, vệ sinh. Vỉa hè chỉ cho phân nửa thôi mà cố tình lấn thêm phân nửa còn lại là không được. Tôi đề nghị quận, huyện phải thống nhất nguyên tắc đó”.
Thứ tư: đó là vấn đề các bãi xe ở vỉa hè. Ông Trần Vĩnh Tuyến lưu ý vấn đề này phải được quản lý nghiêm túc hơn nữa. Các bãi xe ở vỉa hè nên chấm dứt, trừ các trường hợp sau: những hoạt động lễ lớn cần trưng dụng tạm một phần vỉa hè làm nơi trông giữ xe cho người dân đến tham gia, nhưng hết lễ phải chấm dứt. Cơ quan nhà nước nếu không có không gian phù hợp thì có thể tạm trưng dụng vỉa hè giữ xe cho người dân đến liên hệ công việc, giải quyết thủ tục hành chính, nhưng việc giữ xe này không được thu tiền; đến hết năm 2017, tất cả các bãi xe trông giữ như thế thì không thu phí nữa nên các quận, huyện phải lo tính. “Dứt khoát là phải tính để tránh sinh chuyện tiêu cực”, ông Tuyến quả quyết.
Theo ông Tuyến, đó là 4 mục tiêu phải đạt được để lập lại trật tự lòng lề đường, và quan điểm của UBND TP là không can thiệp sâu vào từng nhiệm vụ cụ thể mà TP đã có chỉ đạo cho các quận, huyện. “Nếu các anh làm đạt 4 tiêu chí đó, tôi xin thưa là dư luận hoan nghênh các anh 2 tay 2 chân”, ông Tuyến nói.
Bãi giữ xe trái phép trước cổng Bệnh viện Nhi đồng 2 (đường Lý Tự Trọng, P.Bến Nghé, Q.1) Ảnh: Trác Rin
Ngoài ra, theo ông Tuyến, những vi phạm khác của người dân so với quy định của nhà nước về quản lý trật tự đô thị, thì chúng ta lập biên bản và để cho người dân thực thi là tốt nhất. Lộ trình làm như thế nào thì do quận, huyện quyết định, TP không gây áp lực lớn. TP chỉ yêu cầu cao đối với 4 tiêu chí trên, bắt buộc phải làm vì đó là trách nhiệm quản lý nhà nước.
“Bây giờ cứ muôn hình muôn vẻ, mỗi nơi làm một cách khác nhau, tạo ra một xung đột xã hội. Nơi làm ít quá thì dư luận nói không chịu làm. Nơi làm mạnh quá thì người dân nơi khác so bì”, ông Tuyến nhìn nhận.
Theo ông Tuyến, khi người dân đồng tình, có sự đồng thuận thì kết quả chỉ có tốt trở lên, không bao giờ xấu được. “Mình tuyên truyền vận động để làm sao người dân thấy rằng tâm phục khẩu phục rồi tự làm là tốt nhất, và nếu như đến lúc mình hành động người ta cũng phải tâm phục khẩu phục”, ông nói thêm.
Ông Trần Vĩnh Tuyến nói thêm: Đối với người vi phạm nhưng không ảnh hưởng cấp bách đến 4 mục tiêu mình đặt ra, thì mình cũng nên trao cho họ một cơ hội “tự xử”, nếu không chịu “tự xử” thì mình căn cứ vào biên bản, cam kết trước đó để xử lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.