Có thể nhờ vào đầu óc kinh doanh và vốn hiểu biết trong sự nghiệp thành công của mình đã giúp bà có những bước đi vững chắc trong vai trò người đứng đầu văn phòng lãnh sự Romania tại TP.HCM.
Có thể nói chuyến đi kéo dài 3 tuần này là một chuyến hành trình làm việc bắc nam xuyên Romania. Mỗi một tỉnh Lý Nhã Kỳ ghé qua bà đều có cơ hội làm việc với lãnh đạo địa phương. Chủ tịch, phó chủ tịch tỉnh và lãnh đạo đại diện chính phủ đều đón tiếp rất nồng hậu tân lãnh sự danh dự đến từ Việt Nam. Đặc biệt tại tỉnh Gorj, đây là nơi Lý Nhã Kỳ có nhiều hoạt động nhất. Không những là thành phố lịch sử, nổi tiếng với rất nhiều điểm đến hấp dẫn như công viên
Targu Jiu nằm dưới chân dãy núi Carpat bên bờ sông Jiu, nơi lưu giữ những tác phẩm để đời của nhà điêu khắc lừng danh Constantin Brancusi, hay con đường xuyên núi cao hơn 2.000 m Transalpina... Không chỉ vậy, Gorj vốn có rất nhiều làng nghề truyền thống đặc sắc như thêu tay, dệt thảm, làm đồ gốm Tismana, Horezu được UNESCO công nhận... và là quê hương của đoàn ca múa nhạc dân tộc nổi tiếng Doina Gorjului năm ngoái tham gia Festival cà phê Đắk Lắk. Và chính ông Gheorghe Nichifor, Phó chủ tịch hội đồng tỉnh Gorj, năm ngoái sang thăm Việt Nam, kết nghĩa với tỉnh Đắk Lắk, nay đã ngỏ lời mời Lý Nhã Kỳ làm đại sứ du lịch và văn hóa cho tỉnh.
|
Trong chuyến công du, các lãnh đạo phía Romania bày tỏ bất ngờ, thích thú khi Lý Nhã Kỳ mặc trang phục truyền thống của họ vô cùng tinh tế. Ông Sorin Arjoca, Phó đại diện chính phủ tỉnh Gorj, chia sẻ: “Lý Nhã Kỳ đã có một chuyến đi dài và rất mệt khi di chuyển từ nam ra bắc bằng xe, cũng như mỗi tỉnh phải ghé lại để chụp hình quảng bá cảnh đẹp và văn hóa Romania. Ngoài ra bà còn gặp gỡ và đề xuất rất nhiều việc một cách thẳng thắn. Nhiều người lầm tưởng cô là con gái của một Lãnh sự danh dự vì quá trẻ. Chúng tôi nhìn thấy được sự trân trọng và tình cảm của Lý Nhã Kỳ dành cho đất nước Romania. Điều đó cũng sẽ khiến cho hội hữu nghị Việt Nam - Romania cố gắng quảng bá hình ảnh của Việt Nam tại đất nước Romania như những gì bà đã làm trên đất nước này”.
Về phía mình, Lý Nhã Kỳ cũng đã có những đề xuất làm thay đổi suy nghĩ của nước bạn, thúc đẩy những bước tiến mạnh hơn trong mối quan hệ hữu nghị. Những phát biểu của Lý Nhã Kỳ cũng được truyền thông Romania săn đón. Bà bày tỏ: “68 năm cho một con người đã là hết cuộc đời còn 68 năm cho quan hệ hữu nghị hai quốc gia thì đó là một quan hệ vững chắc và không có gì có thể phá vỡ. Tôi mong rằng những lớp thế hệ trẻ về sau ở Việt Nam sẽ tiếp tục kế thừa và phát triển mối quan hệ giữa hai quốc gia đi lên một bước tiến mới, một tầm cao mới để có thể cùng hỗ trợ và cùng nhau phát triển”.
|
Đảm nhận vai trò mới, Lý Nhã Kỳ tin rằng mình sẽ thành công trong lĩnh vực ngoại giao. "Sau chuyến đi này tôi cảm thấy tự tin hơn khi các ý kiến của mình đều được các lãnh đạo ghi nhận một cách trân trọng. Các vị đã dành lời khen ngợi cho Kỳ dù không học qua trường lớp ngoại giao chính trị nhưng có những nhìn nhận rất rõ nét và thẳng thắn", bà nói.
Lãnh sự danh dự Lý Nhã Kỳ đã được gặp và trao đổi với ngài Teodor Melescanu, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Romania và phu nhân; ngài Emil Constantinescu, nguyên Tổng thống Romania, khi tham gia buổi chiêu đãi nhân ngày truyền thống của Ngoại giao Romania, và được Bộ trưởng Bộ Thương mại và Môi trường kinh doanh - ngài Radu Oprea; Quốc vụ khanh Bộ Văn hóa - ngài Stefan Rab; Quốc vụ khanh Bộ Du lịch - bà Cristina Tarteata đón tiếp tại trụ sở của các bộ này.
|
Bà còn được gặp và trao đổi với Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Romania - ngài Mihai Daraban, và Phó chủ tịch thường trực Phòng Thương mại Bucharest. Tất cả đều đánh giá cao những thành tựu to lớn mà Việt Nam đã đạt được trong sự phát triển kinh tế xã hội và trân trọng hữu nghị truyền thống giữa hai nước, bày tỏ mong muốn thúc đẩy và phát triển hơn nữa quan hệ nhiều mặt phù hợp với tiềm năng to lớn trong nhiều lĩnh vực hai nước có thế mạnh.
Chuyến công du Romania của bà Lý Nhã Kỳ được sắp xếp chu đáo với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao Romania, của Đại sứ Romania tại Việt Nam - ngài Valeriu Arteni và phu nhân, của Chủ tịch nhóm nghị sĩ Hữu nghị với Việt Nam trong Quốc hội Romania - ngài Lucian Eduard Simion và Chủ tịch Hội đồng hương Gorj tại Bucharest - ông Sabin Stamatescu.
Bình luận (0)