Lao đao vì bệnh lạ xuất hiện trên rau, hoa Đà Lạt

13/05/2017 14:19 GMT+7

Ngày 13.5, ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, cho biết đang kiểm tra và lấy mẫu hạt giống tại các vườn ươm để xác định nguyên nhân gây bệnh trên rau cô rôn.

Gần 1 tháng qua nhiều vườn rau cô rôn ở các phường 7, 8, 9… TP. Đà Lạt có hiện tượng sau khi trồng khoảng 15 ngày thì bị úa vàng rồi chết dần.
Kiểm tra vườn rau cô rôn bị bệnh
Ông Trần Duy Tài (tổ Thánh Mẫu, P.7) xuống giống 1 sào cô rôn được vài tuần thì thấy hiện tượng vàng lá và cây phát triển rất chậm nên đành nhổ bỏ, mua cây giống khác trồng. Thế nhưng sau 3 tuần vườn rau lại úa vàng và thiệt hại khoảng 70%.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Tổ trưởng tổ Thánh Mẫu 2, cho biết cô rôn được nông dân canh tác hàng chục năm qua, là loại rau rất dễ canh tác, gần như không có sâu bệnh, không cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nay các vườn cô rôn bị hiện tượng héo vàng rồi chết dần, nhưng không rõ nguyên nhân; đây là lần đầu nông dân gặp tình cảnh này nên rất lo lắng.
Chiều 12.5, Trung tâm Nông nghiệp TP.Đà Lạt phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng đến khu Thánh Mẫu và Đất Mới, P.7 (Đà Lạt) để xem xét tình trạng bệnh lạ xuất hiện trên rau xà lách cô rôn và lấy mẫu kiểm tra phân tích nhằm xác định nguyên nhân.
Vườn cô rôn bị bệnh sau 15 ngày xuống giống
Ông Lại Thế Hưng cho biết sau khi xem các mẫu rau bị bệnh có thể xác định các vườn rau cô rôn bị bệnh là do một loại virus. Để định danh loại virus này phải lấy mẫu rau (bị bệnh) và cả hạt giống tại các vườn ươm đi xét nghiệm. Khi định danh được rồi sẽ đưa ra giải pháp tổng hợp giúp nông dân phòng ngừa bệnh lây lan.
UBND P.7, cho biết ở P.7 có khoảng 50 ha canh tác xà lách cô rôn, trong đó gần 80% diện tích bị bệnh lạ gây thất thu lớn cho nông dân. Tại các P.8, 11 nhiều nông hộ cũng lâm cảnh tương tự, phải nhổ bỏ.
Vườn hoa cúc bị virus TSWVi không thể nở hoa
Không chỉ rau cô rôn, từ vài tháng nay hàng trăm hộ canh tác hoa cúc ở các P.7, 8, 9, 11, 12, xã Xuân Thọ (Đà Lạt) đang lao đao vì hiện tượng hoa cúc bị héo vàng do virus TSWVi lây truyền qua các loại côn trùng chích hút, đặc biệt là bọ trĩ. Bệnh gây hại từ lúc mới trồng đến khi thu hoạch; những vườn bị nhiễm ở giai đoạn cây đã đóng nụ hoặc có hoa thì hoa bị méo, cong queo, không nở.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, thống kê sơ bộ đến nay đã có trên 120 ha nhiễm bệnh, trong đó hơn 80 ha nhiễm nặng phải nhổ bỏ. Tuy ngành chức năng đã đưa ra khuyến cáo và hướng dẫn sử dụng một số thuốc để phòng ngừa, nhưng các nông hộ cho biết chưa mang lại hiệu quả. Các nông hộ mong muốn các nhà khoa học, các cơ quan chức năng sớm tìm ra nguyên nhân và cách ngăn ngừa những virus lạ gây hại trên các loại cây trồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.