Lao động ngoại tỉnh bị bắt chẹt - Kỳ 3: “Luật giam” CMND

17/08/2011 05:17 GMT+7

Công việc nặng nhọc, thời gian kéo dài, chỗ ở thì nhếch nhác… nên sau một ngày làm việc tại xưởng cơm của Công ty K.T, tôi quyết định nghỉ việc và xin lại CMND.

>> Kỳ 2: Bóc lột


Cảnh sát khu vực (người ngồi quay lưng lại) xuống giải quyết, lấy lại CMND cho chúng tôi - Ảnh: Đàm Huy 

Mồ hôi dầm dề, tôi lê từng bước vào văn phòng Công ty K.T xin nghỉ làm. Cánh cửa vừa kéo ra, cô nhân viên hất hàm hỏi: “Giờ này không làm mà đi đâu đây?”. Sau khi trình bày hoàn cảnh để xin lại CMND cô nhân viên mặt lạnh tanh nói: “Mới vô làm muốn nghỉ thì đóng phí rồi công ty sẽ trả CMND”. Tôi thắc mắc, thì được cô nhân viên trả lời: “Luật ở đây là vậy, ai vô làm cũng phải chịu”.  Hết tiền, một thân, một mình nên tôi đành bỏ về để nhờ người giúp đỡ.

Ngày hôm sau, một PV Thanh Niên trong vai người anh của tôi cùng đến Công ty K.T xin lại CMND. Đến nơi đồng hồ điểm 9 giờ, chúng tôi chứng kiến cảnh hàng chục thanh thiếu niên cả nam lẫn nữ đang cặm cụi làm việc hết sức khẩn trương cho kịp bữa cơm trưa của công nhân.

Thấy một người phụ nữ mập mạp đang chỉ tay hò hét thúc giục công nhân làm việc, chúng tôi đến trình bày sự việc nhưng bị người này chửi cho một trận vì dám làm gián đoạn công việc của bà. Bà này quát: “Em có phải là do Trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm KPH đưa qua không; nếu muốn nghỉ phải trả phí dịch vụ 650 ngàn đồng”. Rồi yêu cầu chúng tôi vào văn phòng làm việc của công ty gặp ông Thạch - giám đốc công ty để giải quyết.

Khi chúng tôi bước vào, ông Thạch mặc áo quần lịch sự sang trọng, hất hàm: “Đi vào đây làm gì?”. Chúng tôi trình bày sự việc đã bị xe ôm gạ gẫm, nói ở đây công việc nhẹ nhàng, lương cao nên mới chấp nhận đến đây làm việc. “Nhưng sau 1 ngày làm việc, tôi thật sự không có đủ sức khỏe làm việc liên tiếp 12 giờ liền với mức lương quá ít ỏi nên xin lại CMND để đi tìm công việc thích hợp hơn”. Ông Thạch lạnh lùng cự tuyệt không chịu trả CMND. Năn nỉ được một lát, thì có công nhân tên Kiều Quang Chính (27 tuổi, quê Cà Mau) cũng mang hành lý đến xin nghỉ do công việc quá nặng nhọc, không giống như thỏa thuận ban đầu nên xin lại CMND để đi xin việc làm.

“Luật do ở đây đưa ra"

Muốn thoát ra nhưng không được

Ra ngoài, Chính than với tôi: “Em quê ở Cà Mau, làm tài xế được 6 năm nhưng do ở quê lương thấp không nuôi nổi bản thân nên mới lên TP.HCM xin việc. Vừa đến Bến xe Miền Tây, em cũng được một ông xe ôm chở vào đây làm công nhân. Ổng nói làm ở đây sướng lắm, lương cao nhưng khi em đến đây họ giữ CMND của em, bắt em làm việc 12 giờ liền, công việc quá nặng nhọc không phù hợp với sức khỏe của em. Lúc em sống chung với công nhân ở phòng trọ, nhiều công nhân tâm sự cũng muốn thoát ra khỏi đây nhưng do không có tiền trả cho ông chủ  nên cũng bị “giam” giấy CMND”.

Theo ông Thạch, công ty đã bỏ tiền túi 300 ngàn đồng ra trả tiền công cho “cò” Hưng giới thiệu tôi và Chính vào đây làm việc. Cứ Hưng chuyển vào đây 1 người là ông Thạch trả 300 ngàn đồng; còn mọi chuyện ông Thạch không cần biết. Ông Thạch yêu cầu chúng tôi ra Bến xe Miền Tây gặp ông Hưng giải quyết, chứ nhất quyết không chịu trả CMND.

Thấy chúng tôi quyết liệt không chịu đi, ông Thạch giải thích tiếp: “Tui đã trao đổi thống nhất với ông Hưng: cứ chở đến đây 1 người là tui trả tiền công 300 ngàn đồng. Nếu công nhân chưa làm được 3 tháng mà nghỉ thì phải đưa lại 300 ngàn đồng, công ty sẽ trả CMND. Ở đây, người ta đưa ra luật như vậy đó!”.

Ông Thạch cho biết thêm: “Theo nguyên tắc công ty thỏa thuận miệng với ông Hưng, công nhân nghỉ trước thời hạn 6 ngày thì tui sẽ trả công nhân lại cho ông Hưng và trong 5 ngày ông Hưng phải có trách nhiệm đổi người khác cho tui”. Sau khi cự cãi với chúng tôi, ông Thạch tức giận đứng dậy lớn tiếng: “Anh (tức PV) không có quyền gì ở đây và đi ra ngoài ngay cho tui. Tui chỉ làm việc với 2 thằng này thôi”. Sau khi PV ra ngoài, hai chúng tôi tiếp tục nói lý lẽ: “Ai giữ CMND của tôi thì tôi đòi lại, chứ không đi đâu nữa cả”. Nghe xong ông Thạch to tiếng: “Hai thằng đi ra khỏi phòng ngay” và gọi điện thoại cho ai đó báo có người đến công ty quậy phá…

Giải cứu

Nài nỉ, van xin để lấy lại giấy tờ tùy thân của mình không được buộc chúng tôi tìm đến trụ sở Công an P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú trình báo vụ việc tạm giữ trái phép giấy CMND của công nhân. Sau khi nghe chúng tôi trình bày vụ việc, một thiếu tá công an ngồi ở phòng trực tiếp dân bấm điện thoại gọi cho đại úy Nguyễn Dương Thái Phương (CSKV của Công an P.Sơn Kỳ, đang đi xuống địa bàn kiểm tra), thông báo đến Công ty K.T gấp để giải quyết vụ việc trên và yêu cầu chúng tôi chạy xuống đó sẽ được giải quyết.

Quay trở lại Công ty K.T, chúng tôi đã thấy đại úy Phương ngồi cùng với một người đàn ông trên 50 tuổi tại quán cà phê vỉa hè, sát bên công ty. Vị CSKV này mời chúng tôi đến quán cà phê ngồi trình bày vụ việc. Riêng ông Thạch, biết tin có nhà báo xuống làm việc, đã lấy xe bỏ đi tránh mặt. Đáng chú ý, trong lúc chúng tôi đang trình bày với CSKV thì người đàn ông lớn tuổi nói trên luôn chen ngang vào, bênh vực cho Công ty K.T. Khi CSKV hỏi giữ CMND của công nhân làm gì thì ông ta cho rằng giữ CMND là để trình báo với tổ dân phố, công an khu vực. Nếu không giữ, công an phạt 1,5 triệu đồng thì ai chịu? Sau đó, người đàn ông này tỏ thái độ tức giận, bằng những lời lẽ khiếm nhã và đòi hành hung chúng tôi trước mặt CSKV Phương.

Trước tình hình này, đại úy Phương đã yêu cầu ông ta bình tĩnh và gọi điện thoại cho ông Thạch về trả lại CMND cho chúng tôi. 10 phút sau, ông Thạch quay trở về, yêu cầu nhân viên của mình mang CMND trả lại cho công nhân.

Đàm Huy - Công Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.