Lao động nước ngoài vỡ mộng tại Singapore

Khánh An
Khánh An
18/03/2018 09:35 GMT+7

Nhiều lao động nhập cư bị chủ thất hứa, quỵt lương và lâm vào cảnh túng quẫn trong khi số nợ vay để chi trả dịch vụ xuất khẩu lao động vẫn đè nặng.

Tại Trung tâm hỗ trợ lao động nhập cư TWC2 ở Singapore, cảnh người nước ngoài xếp hàng dài để ký sổ và nhận thẻ ăn miễn phí hoặc ăn chịu ở các quán bình dân trong khu Little India (Tiểu Ấn) đang ngày càng trở nên quen thuộc. Cơ sở này hỗ trợ khoảng 500 người mỗi ngày, tất cả đều là lao động nước ngoài thất nghiệp và nhiều người bị chủ nợ lương.
So với dân số 5,6 triệu người, lực lượng lao động hơn 1,37 triệu người nước ngoài chiếm tỷ lệ đáng kể ở Singapore. Tuy nhiên gần 1 triệu trong số này là lao động phổ thông, đến từ nhiều nước như Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar, Trung Quốc... Trong khi mức thu nhập bình quân hằng tháng của Singapore là 3.000 SGD (51,7 triệu đồng) thì số lao động này chỉ được trả chừng 400 SGD. Chưa kể nhiều người bị chủ sử dụng lao động thất hứa, thiếu nợ lương và cắt hợp đồng. Không có thu nhập như được cam kết lúc ban đầu, họ bị kẹt nơi đất khách quê người, cố gắng tìm cách kiếm ít tiền trả nợ vay đi xuất khẩu lao động.
Bị nợ, quỵt lương
Theo CNN, ngành xây dựng góp phần đáng kể thúc đẩy phát triển tại Singapore, chủ yếu dựa vào lực lượng lao động nước ngoài. Số người nhập cư làm việc trong lĩnh vực này tính đến giữa năm ngoái là khoảng 296.700 người. Tuy nhiên, thu nhập của họ thực tế rất thấp so với những nhân viên văn phòng làm việc trong những tòa cao ốc mà họ từng đổ bao công sức xây nên.
Năm ngoái, anh Sardar Mohammed Insan Ali người Bangladesh đến Singapore làm công nhân xây dựng với hy vọng kiếm thêm ít tiền để cha mẹ dưỡng già và trang trải chi phí cho vợ con. Được hứa mức lương 1.600 SGD/tháng, đến nơi anh mới vỡ lẽ rằng mình chỉ được trả 18 SGD/ngày. Thậm chí chủ sử dụng lao động còn không trả đủ trong suốt 8 tháng. “Ông chủ chỉ thỉnh thoảng cho chúng tôi mượn 200 hay 300 SGD”, Sardar kể.
Những trường hợp này đã trở nên quá quen thuộc đối với chuyên gia Tamera Fillinger của TWC2 chuyên hỗ trợ công nhân nước ngoài bị tai nạn lao động hoặc khiếu nại về lương. “Nhiều người không được trả một xu trong nhiều tháng, nhưng đa số các trường hợp bị trả không đủ”, theo bà Fillinger. Bộ Nguồn nhân lực cho biết thời gian qua đã nhận được 9.000 khiếu nại về lương, trong đó có cả lao động trong nước.
Trường hợp thê thảm hơn là chủ sử dụng lao động bỏ trốn và quỵt lương, phần lớn xảy ra trong ngành xây dựng. Năm ngoái, một chủ sử dụng lao động người Trung Quốc bỏ trốn và nợ lương 80 công nhân, mức thấp nhất là 4.000 SGD/người. Theo Trung tâm lao động nhập cư Singapore (MWC), có ít nhất 6 trường hợp chủ người nước ngoài bỏ trốn và quỵt tiền lương trong vòng hơn 1 năm qua. Chủ tịch MWC Yeo Guat Kwang cho biết trong mỗi trường hợp đều có ít nhất 20 công nhân bị thiếu nợ lên đến 4 tháng lương. “Những chủ doanh nghiệp người nước ngoài không mất gì nhiều và bỏ trốn khi khó khăn. Khi họ về nước thì đã ngoài phạm vi xử lý của chúng tôi”, ông Yeo nói, đồng thời kêu gọi cơ quan chức năng cứng rắn hơn đối với những trường hợp này.
Mắc kẹt nơi đất khách
Vài tháng trước, anh Sardar và 2 người bạn cùng khiếu nại lên nhà chức trách. Tuy nhiên, đây là một quyết định khó khăn đối với tất cả lao động nước ngoài do lo ngại nảy sinh mâu thuẫn với giới chủ. Theo quy định, giấy phép lao động gắn liền với chủ sử dụng lao động và doanh nghiệp có thể hủy giấy phép làm việc bất cứ lúc nào.
Trong khi đó, họ thường trả phí cho các công ty xuất khẩu lao động khoảng 3.000 - 15.000 SGD. Nhiều người đã phải gom hết tiền dành dụm, bán cả đất đai, vay mượn người thân hoặc ngân hàng. Do đó, nhiều công nhân trót đặt chân đến đây chấp nhận bị trả thiếu còn hơn không kiếm được đồng nào.
Cũng vì bị khiếu nại nên chủ của Sardar hủy giấy phép lao động và đúng ra anh đã phải về nước từ tháng 10.2017. Tuy nhiên, Bộ Nguồn nhân lực đã can thiệp nên anh được phép ở lại đến khi giải quyết xong. Điều này lại khiến Sardar rơi vào tình huống dở khóc dở cười vì có thể ở lại Singapore nhưng không thể làm việc. Theo quy định, lao động có đơn khiếu nại về lương đang xử lý sẽ được đổi việc làm khác, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng không phải khi nào họ cũng có được việc mới. Số liệu của Bộ Nguồn nhân lực cho thấy trong số 600 lao động nước ngoài xin việc mới từ tháng 1 - 6.2017 thì chỉ có khoảng 300 người có được việc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.