Lao động Việt Nam tại Malaysia bị trả về nước: Lỗi tại ai?

29/11/2005 22:47 GMT+7

Trong khi "đầu ra" cho xuất khẩu lao động đang gặp nhiều khó khăn thì tình trạng gần đây người lao động Việt Nam bị buộc trả về nước đang có chiều hướng gia tăng. Mới đây nhất, 31 công nhân do chi nhánh Công ty cổ phần cơ khí & xuất khẩu lao động Thừa Thiên - Huế (Enlexco) tại TP.HCM đưa đi xuất khẩu lao động tại Malaysia vừa được 5 tháng, vì yêu cầu trả tăng lương theo giờ đã gặp phải khó dễ và 11 người bị đưa về nước, để lại món nợ hàng trăm triệu đồng cho gia đình...

Chuyến đi bão táp...

Đầu tháng 5/2005, chi nhánh Công ty Enlexco tại TP.HCM về Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Bến tre tuyển lao động phổ thông sang Malaysia. Theo anh em, lúc đầu Chi nhánh chỉ phỏng vấn tuyển lao động công nhân cao su kỹ thuật cao nhưng do nhà máy tu sửa chưa kịp nên công ty yêu cầu chuyển đăng ký sang lắp ráp bàn phím vi tính. Tuy nhiên, qua tới nơi họ mới biết công ty này sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. Đa phần, ai cũng thuộc diện nghèo, trình độ học vấn thấp nên chi nhánh Enlexco bảo gì làm nấy, miễn là có việc. Anh em công nhân vay vốn mỗi người gần 18 triệu đồng tại Ngân hàng chính sách tỉnh Bến Tre nộp cho công ty và mượn thêm của bà con hàng xóm làm lộ phí với hy vọng sẽ cải thiện được cuộc sống. Ai ngờ...

Trần Văn Trí (quê ấp Tân Thiện, xã Tân Thành, H.Mỏ Cày) có 3 anh em ăn học, gia đình quá khó khăn nên đang học lớp 12 đành bỏ ngang để đi xuất khẩu lao động. Trí kể lại: "Mới "chân ướt chân ráo" sang Nhà máy G - Top (Malaysia), chúng tôi chẳng đòi hỏi gì nhiều. 31 anh em công nhân ai cũng mong làm việc thật nhiều để có tiền lương gửi về quê. Hằng ngày, sáng chúng tôi làm việc quần quật từ 8h30 đến 12h - nghỉ ăn trưa, sau đó làm lại từ 13h đến 17h chiều. Nói chung mọi việc cũng bình thường không có gì phàn nàn. Được vài hôm, ông chủ kêu 4 người chúng tôi gồm: tôi, Phương, Trai, Thi vào văn phòng yêu cầu ký tên tăng giờ làm lên 30 phút nhưng vẫn giữ mức lương y như cũ. Chúng tôi có trình bày là việc này 4 người không thể quyết định cho những người còn lại nên từ chối ký. Buổi chiều khi chúng tôi đi chợ về thì gặp chủ nhà máy kêu cảnh sát tới bắt nhốt 3 người tại nhà người quản lý, gồm tôi, Hùng và Tuấn suốt 2 ngày 3 đêm mà không hiểu lý do...".

Anh Huỳnh Thái Thuận (ở Qui Nhơn, Bình Định) tường trình: Khi vào làm, chúng tôi bắt đầu công việc từ 8h30 - 17h chiều nhưng sau đó chủ bảo phải làm từ 8h. Chúng tôi vẫn nghiêm chỉnh chấp hành. Trong quá trình làm việc chúng tôi có hỏi người quản lý như vậy có cho giải lao không, người quản lý hứa sẽ hỏi lại ông chủ nhưng không thấy trả lời. Hai ngày sau, chúng tôi làm lại lịch như cũ thì bị chủ tịch thu thẻ đuổi về, sau đó kêu cảnh sát đến bắt các bạn đưa đi. Tôi không nằm trong số ấy nhưng thực sự hoang mang vì nếu như chúng tôi có sơ sót trong công việc thì chủ sử dụng có thể nhắc nhở, cảnh cáo. Đằng này...

"Lúc ấy, anh em còn lại mỗi người dạt đi một nơi, ngoài 3 người bị bắt nhốt thì tôi và một vài người khác bị đưa ra sân bay bảo ở đấy ngồi chờ để mua vé đưa về nước" - anh Lê Thành Tâm (ấp Tân Hậu 1, xã Tân Trung, H.Mỏ Cày) kể trong sự bàng hoàng. Anh kể tiếp: "Một ngày một đêm trôi qua, chúng tôi đói khát ngồi ở sân bay. Không ai đến hỏi han, chia sẻ. Ai cũng muốn quay trở về nhà máy nhưng sợ cảnh sát bắt... Khổ lắm! Tới sáng, mọi người mới tìm cách liên lạc với người quen để mượn tiền xài...". Ngày 19/11/2005, nhờ có sự can thiệp của Ban Quản lý lao động và chuyên gia (Đại sứ quán Việt nam tại Malaysia) và đại diện Enlexco, Sở lao động - Thương binh - xã hội tỉnh Bến Tre, 21 người lao động đã được nhận lại làm việc còn 10 trường hợp bị buộc trả về nước và có nguy cơ phải đền bù thiệt hại với số tiền 30 ngàn USD.

Lỗi tại ai?

Công nhân bị nhốt ở nhà quản lý 3 ngày 2 đêm

Xung quanh vụ việc này, báo cáo ngày 25/11/2005 của Ban Quản lý lao động và chuyên gia (Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia) gửi cho Cục Quản lý lao động ngoài nước ngoài nêu: Ngoài các lý do đòi hỏi không chính đáng của anh em công nhân, trong vấn đề này, Công ty Enlexco cũng có phần trách nhiệm như: tuyển chọn và đào tạo định hướng cho người lao động chưa tốt, đặc biệt là khâu giáo dục ý thức chấp hành và thái độ làm việc cũng như thái độ với chủ sử dụng. Hợp đồng lao động ký với người lao động không dịch ra tiếng Việt. Việc chủ sử dụng hủy giấy phép làm việc là vội vàng. Ban đã lưu ý chủ sử dụng rút kinh nghiệm... Công ty Enlexco hiện có số lượng lao động khá lớn đang làm việc tại Malaysia và đang tiếp tục đưa lao động sang nên cần phải có cán bộ đại diện thường xuyên để giải quyết các vụ việc phát sinh hoặc kịp thời báo cáo ban để can thiệp, tránh tình trạng như trên xảy ra...".

Sáng 29/11/2005, tại buổi làm việc với PV báo Thanh Niên, ông Trương Quang Nga - Giám đốc chi nhánh Enlexco cũng thừa nhận những sai sót của mình như nhận định của Ban Quản lý lao động và chuyên gia (Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia). Ông Nga cũng cam kết sẽ tìm cách bố trí lại công việc cho số anh em lao động bị đưa về nước trong đợt này tại một thị trường lao động khác trong thời gian sớm nhất được phép để có thu nhập trả nợ vay ngân hàng. Vụ việc này cũng là bài học kinh nghiệm về hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc tương tự.

Lê Công Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.