Lao động Việt ở Đài Loan: Long đong phận làm chui

24/02/2017 07:35 GMT+7

Không phải ai đang lao động hợp pháp cũng muốn trở thành lao động bất hợp pháp, sống trốn chui nhủi và mất hết mọi quyền lợi.

Môi giới chưa làm hết trách nhiệm
Chị Thảo Vân, một lao động Việt lâu năm tại Đài Bắc, thẳng thắn nói: “Rất nhiều người ở trong nước thời gian qua hỏi tôi về tình hình lao động ở Đài Loan để chạy tiền đi sang. Tôi đều khuyên rằng, nếu có thu nhập tàm tạm trong nước thì đừng nên sang Đài Loan lao động, hiện nay bên này không có nhiều việc như quảng cáo của một số công ty môi giới. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu những lời nói thật lòng này”.
Chị Vân giải thích, một số công ty môi giới tại VN khi đưa thông tin cho người lao động trong nước đã không đầy đủ, chính xác, khiến nhiều người lầm tưởng sẽ kiếm được nhiều tiền nên chấp nhận đóng phí môi giới cao. Ngoài chi phí môi giới đắt đỏ, chiếm mất ít nhất 1 năm tiền lương của người lao động (3.000 USD phí môi giới cho giúp việc nhà, 5.000 USD phí môi giới cho công nhân), thực tế khi đến đất Đài, người lao động không có đủ việc cho hợp đồng 3 năm đã ký kết.
Không nhiều việc để được tăng ca, người lao động chỉ có thu nhập trung bình khoảng 20.000 Đài tệ/tháng (14 triệu đồng), trừ tiền ăn uống, sinh hoạt, phí bảo hiểm, y tế, may ra mỗi người chỉ để dành được hơn 10.000 Đài tệ/tháng (7 triệu đồng). Chưa kể các hợp đồng ký từ VN qua môi giới không đúng với nội dung cam kết (chẳng hạn hợp đồng đi làm kỹ thuật hàn xì nhưng sang đến nơi lại bắt đi trồng lúa hoặc thợ xây...) khiến nhiều lao động Việt sau một thời gian ngắn không chịu nổi khó nhọc vì công việc không đúng sở trường, đành bỏ trốn ra ngoài lao động bất hợp pháp với mong muốn kiếm bù lại số tiền môi giới đã mất và các khoản vay từ nhà trước khi đi.
Bên cạnh đó, ở VN, các đơn vị môi giới cũng không dành đủ thời gian cho người lao động học thêm tiếng Hoa đủ giao tiếp. “Rất nhiều trường hợp do ngôn ngữ bất đồng, chủ nói A thì người lao động làm B, nói hoài không hiểu, thậm chí làm sai ngược, lại hỏng việc nên chủ lao động tức giận, từ đó nảy sinh mâu thuẫn giữa chủ và người lao động”, chị Vân cho biết.
Sau khi bỏ trốn ra ngoài lao động bất hợp pháp, nhiều lao động Việt phải cầu cứu tới các môi giới ở xứ Đài, trong đó có cả môi giới người Việt và người Đài. Từ đây, họ lại bị mất thêm nhiều lần tiền môi giới khác.
Nỗi khổ chạy trốn
Khi bỏ hợp đồng ra ngoài tìm việc làm, thân phận lúc này là lao động bất hợp pháp, nhiều lao động Việt phải trốn tránh rất khổ sở. Chị Vĩnh (quê Hải Dương) nhớ lại có lần đang làm việc tại một xí nghiệp điện tử rất lớn thì cảnh sát Đài ập vào kiểm tra, tìm bắt lao động bất hợp pháp. Các công nhân lao động chui phải vội vã xuống hầm để trốn. Quản lý xí nghiệp dùng đèn nháy báo hiệu cảnh sát di chuyển tới đâu, các công nhân đang trốn đều khẽ khàng bò dưới hầm trốn sang hướng khác.
Có lần cảnh sát bố ráp gắt quá, chị Vĩnh trong quá trình trốn từ tầng dưới lên sân thượng, chân cứa phải mảnh thủy tinh, máu chảy đầm đìa nhưng vẫn phải trốn trong một cái thùng rác to, đầy rác hôi thối trên sân thượng. Nằm im tại đó suốt hơn 7 giờ đồng hồ với một bao ni lông đen bẩn thỉu chụp lên, chị Vĩnh tưởng như ngất xỉu và kiệt sức vì mất máu sau khi được đốc công lên tìm ra.
Một lao động bất hợp pháp quê miền Tây cũng thú thật từng phải nấp ở gầm xe tải suốt 3 giờ đồng hồ khi bị cảnh sát lục soát tại công trường nơi chị đang làm việc. Chị may mắn thoát được nhưng bạn chị, một nữ lao động khác trốn trong máy giặt bị phát hiện và bị bắt. Cũng bởi trốn cảnh sát, anh N.T.K (38 tuổi, H.Vĩnh Bảo, Hải Phòng), đã bị rơi từ tầng 2 xuống, đầu đập vào cầu thang, chết tại Đài Trung vào ngày 1.1.2017, để lại mẹ già, vợ trẻ và hai con thơ.
Lao động bất hợp pháp bỏ ra ngoài làm việc có thể kiếm được thu nhập cao hơn lao động chính quy nhưng lại không được hưởng các chế độ bảo hiểm. Khám chữa bệnh, ốm đau, tai nạn đều phải tự bỏ tiền túi ra chi trả. Đó là chưa kể, do không có thân phận hợp pháp, tiền kiếm được không thể gửi vào tài khoản ngân hàng đứng tên người lao động, mà phải gửi nhờ bạn bè. Từ đây lại nảy sinh không ít trường hợp, lao động bất hợp pháp bị người quen lừa lấy mất số tiền lương vất vả kiếm được mà không có cách nào kêu cứu hoặc đòi lại.
Thậm chí khi đau ốm, lao động chui cũng không dám đi bệnh viện khám, vì sợ bị phát hiện, sẽ bị tống giam và trục xuất về nước. Vì vậy, nhiều lao động sau khi phát hiện ra bệnh nặng đã không kịp chạy chữa. Anh T.V.H (49 tuổi, H.Nghi Xuân, Hà Tĩnh), sang Đài Trung từ cuối năm 2015. Chưa đầy một năm làm xây dựng tại đảo Kinh Môn, công ty thuê anh lại bị phá sản, anh buộc phải bỏ ra ngoài tìm việc. Ngày 2.2, anh nhập viện tại Đài Trung với nửa người bên trái bị liệt, nghi vấn bị u não. Do số tiền cần mổ não quá lớn, anh H. hiện không có tiền để làm phẫu thuật, đành phải sống lay lắt trong viện, với viện phí nhờ cộng đồng người Việt tại Đài Loan quyên góp.
Các mức phạt đối với lao động bất hợp pháp khi quá hạn cư trú cho phép: phạt 2.000 Đài tệ nếu ở quá 1 - 10 ngày, 4.000 Đài tệ nếu quá từ 11 - 30 ngày, 6.000 Đài tệ nếu ở quá từ 31 - 60 ngày, 8.000 Đài tệ nếu ở quá từ 61 - 90 ngày, 10.000 Đài tệ nếu ở quá trên 91 ngày. Tất cả lao động bất hợp pháp sau khi bị bắt sẽ bị tạm giam và chờ ngày trục xuất về nước, sau này không thể trở lại Đài Loan tiếp tục lao động theo hợp đồng mới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.