Gần 40 năm qua, một nông dân tại tỉnh Bến Tre đã dày công sưu tập hàng ngàn món đồ gốm, đồ đồng cổ vì niềm đam mê và muốn gìn giữ truyền thống gia đình.
Nghiệp gia đình
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà ba gian đầy ắp đồ cổ, ông Trần Công Khánh (Sáu Khánh, 58 tuổi, ngụ ấp An Thuận A, xã Mỹ Thạnh An, TP.Bến Tre) say sưa kể về truyền thống sưu tầm đồ cổ của gia đình. Ông Sáu Khánh cho biết gia đình ông gốc Huế, vào Nam và định cư ở Bến Tre từ năm 1820. Việc sưu tầm đồ cổ đã có từ thời ông cố, ông nội đến cha, rồi đến đời ông. “Những năm chiến tranh loạn lạc, nhiều món đồ cổ mà ông bà để lại bị mất, bị bán đi hoặc thất lạc. Vào năm Mậu Thân 1968, khi thấy chiếc đèn treo 3 dây của ông nội bị bể nát, tôi đã tự nhủ sẽ sưu tập lại những món đồ cổ”, ông kể.
|
Sau ngày thống nhất đất nước, một số đồ cổ còn lại của gia đình ông bị đem bán, bởi phần vì nhà không có tiền, phần vì sợ kiểm kê. “Mặc cho ông nội cấm đoán, tôi vẫn lén lút mua những thứ đồ cổ mình thích và đem về giấu trong nhà. Đến năm 1986, tôi bắt đầu đem mọi thứ ra trưng bày thì mọi người trong gia đình mới té ngửa, không ai ngờ tôi đã âm thầm sưu tầm được nhiều đến vậy”, ông nhớ lại.
Cả đời mình, ông Sáu Khánh không có niềm đam mê nào lớn bằng việc sưu tầm đồ gốm sứ, đồ đồng cổ. Trong ngôi nhà rộng hơn 100 m2, các món cổ vật được ông sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Ông cho biết chính ông cũng không biết chính xác mình đang sở hữu bao nhiêu món. Tính sơ sơ có 15 chiếc đèn cổ (đèn Tây), 7 bộ lư đồng, 10 cái lục bình, 3 cái nghi thờ, 2 bộ trường kỷ, 20 tấm liễn và hàng ngàn đồ gốm sứ cổ, từ chén dĩa, tô, ché, thố, đến ly tách, bình trà... Đa số có niên đại từ đầu thế kỷ 19, một số hiện vật từ thế kỷ 17, 18. Nhiều món đồ cổ có xuất xứ từ Việt Nam, hoặc các nước như: Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản…
Mấy chục năm trời kiên trì sưu tầm, lại không bao giờ nghĩ tới chuyện bán đi bất cứ món nào, nên ông mới có được như ngày hôm nay. Từ nhỏ ông đã nhớ lời căn dặn của một cụ lớn tuổi, rằng đừng bao giờ kinh doanh cái nghề này, bởi kinh doanh rồi thì khi nằm xuống cũng không còn món gì đáng giá cả. Ông chia sẻ: “Dù có hàng ngàn món đồ cổ khác nhau, nhưng tôi hiếm khi quên hay nhầm lẫn những kỷ niệm gắn liền với chúng, từ món đồ tôi được ông bà truyền lại, hay những món tôi đi mua về”. Ông Sáu không giấu được niềm tự hào khi bây giờ, ông đã sưu tầm được nhiều hơn “gia tài” của ông bà ngày xưa.
|
Điểm tham quan hấp dẫn
Nhiều năm nay, “bảo tàng” nhỏ của ông Sáu Khánh đã trở thành điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách nước ngoài, nhất là các du khách đến từ Pháp, Đức, Canada... Chị Linh, một hướng dẫn viên của Nam Bộ tour, cho biết vào mùa cao điểm (từ tháng 11 đến tháng 4 hằng năm), ngày nào công ty chị cũng đưa khách tới tham quan ngôi nhà của ông Sáu Khánh. “Rất nhiều du khách đã tỏ ra thích thú trước số lượng cổ vật phong phú và thái độ nhiệt tình, mến khách của chú Sáu Khánh”, chị Linh nói.
Không chỉ sưu tầm cổ vật, ông Sáu Khánh còn cải tạo mảnh vườn phục vụ du khách. Ông trồng dừa, cau, một số loại trái cây và nuôi cá dưới mương dừa trên 5 công đất. Khách tới, ông sẽ tặng một cái quạt mo lưu niệm; rồi cho khách trèo dừa, chặt dừa uống, cất vó cho họ xem cá.... Ông cho biết mình làm việc này chủ yếu vì ham vui, muốn quảng bá hình ảnh tỉnh nhà, tìm bạn thâm giao và hoàn toàn không đòi hỏi tiền bạc gì cả.
Khi được hỏi về tâm nguyện của mình, ông nói: “Việc sưu tầm đồ gốm, đồ đồng cổ trước nhất là vì sở thích bản thân, sau thì cũng muốn giữ lại thứ gì đó cho con cho cháu”. Ngoài ra, ông còn tìm hiểu và dày công sưu tầm những phong tục tập quán của dân tộc để dạy dỗ con cháu và giới thiệu cho du khách gần xa.
Giao Hòa
Bình luận (0)