Hệ thống chữ Nôm đã ghi nhận từ “đểu” với 2 cách viết: 搗, 𢞬 và “cáng” (cũng 2 cách viết: 綱, 杭). “Đểu” có nghĩa là người gánh thuê, còn “cáng” là người khiêng cáng hoặc cái cáng (loại võng có mui che, mắc vào 2 đòn do 2 người khiêng hai bên). Ngày xưa, từ “đểu cáng” dùng để chỉ những người phu khiêng. Có quan điểm cho rằng do phần lớn những người phu khiêng (đểu và cáng) ít học, thường giành khách, ăn chia không đều, dẫn đến tình trạng đánh nhau, chửi nhau, thậm chí lừa nhau, để rồi “ngày nay dùng để gọi bọn vô lại” (theo Giúp đọc Nôm và Hán Việt của Anthony Trần Văn Kiệm). Hiện nay, đểu cáng có nghĩa là gian dối, phản phúc, lừa lọc (Wiktionary tiếng Việt). Đây là cách hiểu phổ biến toàn quốc. Từ này đã mất hẳn nghĩa cũ là phu khiêng, vì chẳng còn hình thức chuyên chở kiểu này, ngoại trừ kiểu khiêng cáng cứu thương (loại cáng thường không có mui che)…
Quân bài cửu vạn |
Tư liệu |
Ngày nay, người bốc xếp hàng hóa thường được gọi là người làm nghề bốc vác thuê, khuân vác thuê, khuân vác mướn… Riêng ở miền Bắc còn sử dụng từ “cửu vạn” để chỉ người bốc vác thuê. Từ này có nguồn gốc từ tên của một quân bài trong bộ bài tổ tôm - một loại bài dân gian của người Việt, phổ biến từ thời Pháp thuộc, do Công ty A.Camoin & Cie của Pháp phát hành đầu tiên với những hình trang trí theo lối tranh mộc bản (mokuhan) của Nhật Bản.
Bài tổ tôm có 120 quân, gồm 3 hàng Vạn (萬), Văn (文), Sách (索) viết bằng chữ Nho. Các quân bài có chữ số từ nhất đến cửu. Hàng vạn gồm có 9 quân bài, từ nhất vạn, nhị vạn… cho đến cửu vạn. Quân bài cửu vạn (九萬) này có vẽ hình một người đàn ông đang khuân vác. Từ đó mới có sự liên tưởng người khuân vác thuê là cửu vạn.
Không riêng gì cửu vạn, còn những từ ngữ, tiếng lóng khác liên quan về bài tổ tôm như: thất sách, hợp ca, tròn bài, phỗng mất, gàn bát sách, hoa rơi cửa vật… Có dịp nào đó chúng tôi sẽ giới thiệu những khái niệm này.
Bình luận (0)