Lắt léo chữ nghĩa: Đời và kiếp

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
02/11/2024 07:21 GMT+7

Trong tiếng Việt, "đời người" và "kiếp người" thường được hiểu giống nhau. Thật ra, ngoài nghĩa tương đồng, hai cụm từ này còn có một số nghĩa khác biệt.

Trong Từ điển tiếng Việt (1988) do Hoàng Phê chủ biên, đờikiếp được định nghĩa như sau: đời là "khoảng thời gian sống của một sinh vật; cuộc sống, sự sống của con người" (tr. 371), còn kiếp là "khoảng thời gian sống của một con người, từ lúc sinh ra cho đến lúc chết; đời. Ăn đời ở kiếp với nhau" hoặc là "Đời sống của con người, chết đi lại có một đời sống khác, trong một thể xác khác, trước và sau có quan hệ nhân quả với nhau, theo thuyết luân hồi của đạo Phật" (tr. 549).

Như vậy, Hoàng Phê đã cho thấy đờikiếp giống nhau ở chỗ "khoảng thời gian sống của một sinh vật, của một con người". Bây giờ, xét về từ nguyên ta thấy:

Chữ đời tương ứng với thế (世) trong Hán ngữ. Thế có nghĩa gốc là "khoảng thời gian 30 năm" (Luận Ngữ. Tử Lộ), rồi mở rộng thành "thế hệ" (Lễ Ký. Đại truyện); "thời đại" (Thi Kinh. Đại Nhã. Đãng); "năm tháng" (Lễ Ký. Khúc Lễ hạ) hay "một đời người" (Long xuyên biệt chí của Tô Triệt đời Tống). Thành ngữ sinh sinh thế thế (生生世世) nói về sự vĩnh cửu, vô tận, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Thế còn là "thế giới, thiên hạ, xã hội" (Tả truyện. Thành công thập nhị niên). Tuy nhiên, thế có những khái niệm mà đời không có, chẳng hạn như "người thừa kế"; "thông thái", "sản sinh"...

Về kiếp, đây là từ Hán Việt, có nguồn gốc từ chữ kiếp (劫) trong Hán ngữ, gọi đầy đủ là kiếp số (劫數), người Việt đọc ngược lại là "số kiếp". Kiếp số còn gọi là kiếp-ba hay kiếp-bá - những từ phiên âm của kalpa (कल्प) trong Phạn ngữ.

Kiếp (kalpa) là thuật ngữ trong vũ trụ học của Ấn Độ giáo và Phật giáo. Ban đầu kiếp dùng để chỉ đơn vị thời gian vào thời Ấn Độ cổ đại, biểu thị khoảng thời gian cực kỳ dài hoặc cực ngắn. Khái niệm này được đề cập đầu tiên trong sử thi Mahabharata (महाभारतम्). Theo thuyết Luân hồi của Phật giáo, một người có nhiều kiếp (tiểu kiếp, trung kiếp và đại kiếp). Điều này đã được giải thích rõ trong bộ Đại Trí độ luận của Bồ Tát Long Thọ.

Trong tiếng Trung Quốc và tiếng Nhật hiện đại đều có nhiều từ liên quan đến "kiếp" với nghĩa khác nhau. Kiếp có thể là kiếp nạn hay kiếp hỏa (một trong tam tai, kiếp hỏa tai sẽ đốt hết từ mặt đất cho đến cõi sơ thiền). Thành ngữ Trung Quốc có câu: "Tại kiếp nan đào" (在劫難逃), có nghĩa là "kiếp nạn khó tránh". Cư dân mạng đã dựa vào thành ngữ này để tạo ra cụm từ "kiếp nạn thứ 82" (có nguồn gốc từ bộ phim Tây du ký lạ truyện), một cách diễn đạt hài hước về sự khó khăn, trở ngại, những sự cố gặp phải trong cuộc sống.

Tuy nhiên, theo Phật giáo, nếu "không thể thoát khỏi tai họa" thì kiếp có nghĩa là khoảng thời gian cực kỳ dài, thậm chí vô tận, chẳng hạn như "ức kiếp" (một trăm triệu kiếp); "vĩnh kiếp" (chịu đau khổ vĩnh viễn). Ví dụ như câu "Qua trăm ngàn kiếp… chẳng trái lời kinh Bụt" (Phật thuyết đại báo phụ mẫu ân trọng kinh).

Tóm lại, trong tiếng Việt, đời có một số nghĩa tương ứng với thế (世) trong Hán ngữ kể trên, song nghĩa phổ biến nhất là "cuộc sống, nhân gian, thời gian sống" ("Đời phồn hoa cũng là đời bỏ đi" - Kim Vân Kiều tân truyện); còn kiếp thường được hiểu là "số phận con người" ("Chém cha cái kiếp lấy chồng chung" - Xuân Hương di cảo) hoặc là "đời người" ("Kiếp này phụ, kiếp sau yêu" - Phan Trần truyện).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.