Nếu viết là Huàng thì sẽ được phiên sang âm Hán Việt là Hoàng, còn viết là Wong thì sẽ phiên là Huỳnh”. Nhà nghiên cứu này cho rằng trong tiếng Anh họ của Hoàng Chi Phong được viết là Wong, như vậy phiên đúng sang tiếng Việt sẽ là Huỳnh Chi Phong, vì trên mạng có người đã phiên âm 黃 耀 明 là Huỳnh Diệu Minh và 黄易 là Huỳnh Dị.
Đồng ý rằng chữ 黄 có thể phiên là huỳnh, tuy nhiên phiên là hoàng cũng không có gì sai, cho dù cách phiên âm sang Latin là wong chứ không phải huàng. Tại sao vậy?
Họ 黃 là một họ ở Trung Quốc, Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan và Triều Tiên; ở Việt Nam phiên là Hoàng hay Huỳnh, Triều Tiên phiên là Hwang. Tuy nhiên, trong tiếng Trung Quốc chữ 黄 có thể phiên sang Latin bằng nhiều từ khác nhau chứ không chỉ là wong hay huàng. Ví dụ:
- Wong là cách phiên âm dựa vào tiếng Quảng Đông và tiếng Ngô.
- Huang là cách phiên theo tiếng Quan Thoại (giọng Bắc Kinh).
- Ng, Ung, Ong, Wee, Oi, Ooi hay Uy là dựa vào tiếng Mân Nam.
- Oei hay Oey là cách phiên theo tiếng Triều Châu ở Indonesia.
- Vong là phiên âm dựa vào tiếng Khách Gia sử dụng tại Việt Nam.
- Oeng, Eung hay Ueng (អ៊ឹង) là cách sử dụng ở Campuchia.
- Eung hoặc Ueng (แซ่อึ้ง) là cách phiên theo Thái Lan.
v.v...
Tương tự, chữ 黄 được phiên sang tiếng Việt là hoàng hay huỳnh đều đúng. Phiên hoàng là cách phiên của người Việt dựa vào phiên thiết của Trung Quốc. Theo Khang Hi tự điển, hoàng (黄) có phiên thiết là hồ quang thiết (胡光切), như vậy chính âm khi chuyển sang tiếng Việt là hoàng chứ không phải huỳnh. Cách phiên Latin wong và huang có nguyên nhân như sau. Người Hồng Kông đọc 胡光切 (hồ quang thiết) là “wu4 gwong1 cit3” sẽ cho ra chữ wong; còn người Bắc Kinh nói tiếng Quan Thoại sẽ phát âm là hú guāng qiē, khi chuyển sang Latin sẽ là huang.
Tóm lại, cách phiên wong thành huỳnh, huang thành hoàng chỉ là quy ước theo cách phiên âm nào đó trong tiếng Việt. Trên thực tế, chữ 黄 cho dù có cách phiên Latin thế nào thì âm Hán Việt chuẩn của nó vẫn là hoàng chứ không phải huỳnh. Cách phiên huỳnh là do thói quen, “dư âm” của việc kỵ húy từ thời Chúa Nguyễn Hoàng, do Chúa tên là Hoàng nên tất cả các chữ Hoàng trong họ tên của người Việt thời đó (từ Huế trở vào miền Nam), cho dù viết bằng những chữ Hán khác nhau, đều phải chuyển thành Huỳnh.
Do đó, hiện nay ở Việt Nam có hai họ là Hoàng và Huỳnh (chưa kể những biến thể khác là Vòng hoặc Voòng), chẳng hạn như Hoàng Văn Thụ, Hoàng Xuân Hãn hay Huỳnh Thúc Kháng, Huỳnh Tịnh Của…
Xin lưu ý, cách phiên chữ 黄 thành wong là theo Việt bính (Jyutping) và Gia Lữ(Yale romanization of Cantonese), còn phiên huang là theo Bính âm (pīnyīn). Trên thực tế thì cách phiên wong còn dùng cho họ Vương (王, Wang); họ Uông (汪, Wang) và những họ khác như Hoành (橫, Heng), Hoành/Hoằng (弘 Hong), Hoành/Hoằng ( 閎, Hong) và Hoành/Hoằng (宏, Hong)...
Bình luận (0)