Lắt léo chữ nghĩa: 'Mộng mẹo': 'mẹo' là gì?

15/08/2021 06:23 GMT+7

Hễ đục gỗ để cho vào nhau, phần lồi để cho vào phần lõm gọi là mộng , phần lõm chứa phần lồi gọi là mẹo .

Từ điển tiếng Việt 2020 của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên ghi chú mộng mẹo thuộc khẩu ngữ và giảng là “mộng để lắp, ghép cho chặt, khít [nói khái quát]”, mặc nhiên xem mẹo chỉ là một thành tố dùng để nói khái quát. Nghĩa là chữ mẹo này không được giảng. Vậy nó có nghĩa hay không? Xin thưa rằng có.
Bằng chứng là bên cạnh cấu trúc đôi mộng mẹo, ta còn có danh ngữ mẹo hòm mà A. de Rhodes đã ghi nhận tại mục mẹo trong Dictionnarium Annamiticum Lusitanum et Latinum (thường gọi Từ điển Việt Bồ La), in tại Roma năm 1651. Nhóm Thanh Lãng, Đỗ Quang Chính, Hoàng Xuân Việt dịch mẹo hòm từ tiếng Bồ Đào Nha và tiếng La Tinh sang tiếng Việt là “những mộng ở các góc của hòm, rương”. Trong danh ngữ này, mẹo là trung tâm còn hòm là định ngữ của mẹo nên ta không có bất cứ lý do gì để nói rằng mẹo là một yếu tố vô nghĩa. Vậy mẹo có nghĩa là gì?
Mẹo là một từ cổ, có nghĩa là cái lỗ mộng. Đây là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ [卯], mà Hán ngữ đại tự điển giảng là “mộc khí thượng an chuẩn đầu (dã khiếu “tuẩn đầu”) đích nhãn khổng” [木器上安榫头(也叫'筍头')的眼孔], nghĩa là “lỗ để tra mộng vào trên đồ gỗ”. Chữ mão [卯] này được mượn theo lối giả tá để chỉ chi thứ tư trong mười hai địa chi, ứng với con vật cầm tinh là mèo (còn người Trung Quốc thì cho là thỏ). Chữ mão [卯] này có âm cổ Hán Việt là mẹo, vẫn còn lưu hành trong Nam, nhất là với những người lớn tuổi. Tiếng Hán có thành ngữ tuẩn đầu mão nhãn [筍头卯眼], mà Từ hải giảng là (xin miễn ghi chữ Hán): “Phàm diệm mộc tương nhập, dĩ doanh nhập hư vị chi tuẩn, dĩ hư nhập doanh vị chi mão”, nghĩa là “hễ đục gỗ để cho vào nhau, phần lồi để cho vào phần lõm gọi là mộng, phần lõm chứa phần lồi gọi là mẹo”. Mộng còn có tên là mộng dương và mẹo là mộng âm. Mộng, tức mộng dương, tiếng Anh và tiếng Pháp đều là tenon, còn mẹo, tức lỗ mộng, thỉ tiếng Anh là mortise, tiếng Pháp là mortaise.
Cứ như trên thì hiện nay, đối với người sử dụng ngôn ngữ, hai tiếng mộng mẹo vô hình trung là một từ láy (vì mẹo đã mất nghĩa) nhưng xét về lịch sử tạo từ thì đây là một danh ngữ đẳng lập gồm có hai thành tố mà nghĩa tương thích với nhau: “Hễ đục gỗ để cho vào nhau, phần lồi để cho vào phần lõm gọi là mộng, phần lõm chứa phần lồi gọi là mẹo”. Nói chung, phần lớn các yếu tố bị xem là âm tiết láy thực ra lại là những từ cổ đã mất nghĩa, như chúng tôi đã chứng minh trong nhiều kỳ Nghĩa của các yếu tố láy đăng trên Thanh Niên các ngày 7.6, 14.6, 21.6, 28.6, 5.7, 12.7, 19.7, 26.7, 2.8, 9.8, 16.8 (2020).
Chính vì những trường hợp như thế này mà chúng tôi chủ trương: Tiếng Việt không có cái gọi là từ láy. “Từ láy” chẳng qua là hai từ đẳng lập có cùng phụ âm đầu hoặc cùng một vần mà một thành tố đã mất nghĩa. Nhiệm vụ của nhà Việt ngữ học là đi tìm nghĩa của các thành tố đã mất chứ không phải là cất công đi tìm “cơ chế láy”, một việc làm mà, theo chúng tôi, sẽ không bao giờ đạt đến những kết quả mong muốn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.