Lắt léo chữ nghĩa: 'Tiểu tam' và 'trà xanh'

Vương Trung Hiếu
Vương Trung Hiếu
18/12/2022 07:30 GMT+7

Vài năm gần đây, từ lóng tiểu tam và trà xanh xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội , báo đài cũng đã sử dụng. Hai từ này có nghĩa gì, xuất phát từ đâu?

Xin thưa, tiểu tam có nguồn gốc từ Trung Quốc, xuất hiện khoảng đầu những năm 1980. Vào thời điểm đó, ngay sau khi cải cách và mở cửa, một số người Trung Quốc chịu ảnh hưởng bởi khái niệm giải phóng tình dục của phương Tây nên coi thường quan niệm truyền thống về hôn nhân và gia đình, tùy tiện xâm phạm, phá vỡ quan hệ hôn nhân hợp pháp của người khác. Trong tiếng Trung Quốc, xét về ý nghĩa pháp lý thì những kẻ như thế được gọi là đệ tam giả (第三者), tức người thứ ba, bên thứ ba, gọi theo tiếng Anh là “third party”. Còn định nghĩa về học thuật thì cụm từ này nói về hành vi ngoại tình.

Ở Trung Quốc, “người nam thứ ba” của một người đã có gia đình được gọi là tình phu (情夫), còn người nam có ngoại hình ưa nhìn thường được gọi là tiểu bạch kiểm (小白臉), nghĩa là mặt trắng nhỏ - một cụm từ diễn tả khuôn mặt của chàng trai trắng trẻo và mịn màng. Ở Việt Nam, tiểu bạch kiểm tương ứng với từ “mỹ nam”, “trai đẹp”; còn loại chuyên sống bám vào phụ nữ giàu có được gọi là “trai bao”.

Trong tiếng Trung Quốc, “người nữ thứ ba” của một người đã có gia đình được gọi là tình phụ (情婦), hoặc nhị nãi (二奶), tức “vợ hai”, còn những mỹ nhân chuyên mê hoặc đàn ông được ví von là hồ ly tinh (狐狸精) hay tà hoa (邪花).

Định nghĩa về “người thứ ba” không chỉ là kẻ phá hoại gia đình người khác, mà còn là kẻ chiếm đoạt vợ hoặc chồng của người khác. Từ đó tiểu tam giả trở thành tiểu tam chuyển chính (小三转正), ám chỉ kẻ thứ ba đã chia rẽ thành công một cặp đôi rồi thay thế, trở thành vợ hoặc chồng hợp pháp của người trong cặp đôi đó.

Trong tiếng Việt, trà xanh là từ lóng, xuất phát từ cụm từ biểu lục trà (婊绿茶) có nguồn gốc từ bộ phim truyền hình Mối quan hệ kiểu Trung Quốc (中国式关系) năm 2016. Trong phim, nhân vật Hoắc Dao Dao là cô gái xinh đẹp, quyến rũ người đáng tuổi chú mình là Mã Quốc Lương. Tuy nhiên, cô không chinh phục được Mã Quốc Lương vì ông rất nghiêm túc. Dao Dao liền thay đổi chiến thuật, từ phong cách “nữ lưu manh” (女流氓) biến thành “tiểu bạch thố” (小白兔), tức “thỏ trắng nhỏ” hiền lành. Mã Quốc Lương nhận xét cô ta là biểu lục trà (trà xanh điếm).

Dựa vào thực tế trong phim thì biểu lục trà không có nghĩa xấu, dùng để chỉ một cô gái đẹp, tốt bụng, có vẻ ngây thơ, tràn đầy năng lượng sống tích cực. Cô tạo ra vẻ ngoài cứng rắn để tự bảo vệ, che giấu sự yếu đuối của mình. Tuy nhiên, khi du nhập vào Việt Nam thì cụm từ này được rút gọn, chỉ còn lục trà, gọi theo tiếng Việt là “trà xanh”, rồi biến nghĩa, không còn giống nghĩa gốc, ám chỉ người cố tình chen vào mối quan hệ tình cảm của người khác, tương ứng với từ tiểu tam.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.